MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh cắt từ clip.

Vụ lột đồ, đánh đập cô gái: Tuổi teen sao hành động hung ác!

Thế Lâm LDO | 13/08/2020 16:12

Một vụ việc mà người lớn nghe qua còn thấy ớn lạnh: vì mâu thuẫn tình ái, Đ.T.K.N gọi người chở T.Đ.Th đến nhà, lột đồ, đánh đập...

N mới 16 tuổi (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định), ở cách nhà nạn nhân T.Đ.Th. (17 tuổi, phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn, Bình Định) cả chục cây số. Nhưng để trừng phạt, N sẵn sàng nhờ bạn “điệu” nạn nhân đến nhà mình.

Đồng lõa, tiếp tay cho N cũng đều là những đứa trẻ tuổi teen, nhưng hành động thì dữ dằn không thiếu tính côn đồ. T.Đ.Th. không chỉ bị lột đồ và đánh đập, mà còn bị quay clip tung lên mạng.

Nếu là giang hồ nhí thì đã đành. Nhóm trẻ này không phải giang hồ nhí, mà chúng đã từng quen biết nhau, nhưng vì xích mích chuyện tình ái trẻ con có thể ra tay thiếu suy nghĩ và cũng không lường hết hậu quả để lại đối với nạn nhân của chúng.

Trường hợp các nữ sinh cấp 2, cấp 3 mâu thuẫn, xích mích rồi dẫn đến đánh nhau, lôi đầu, túm tóc… không phải là chuyện hiếm xảy ra. Nhưng với lứa tuổi teen, một vụ bắt cóc nạn nhân đến nhà, rồi lột đồ, đánh đập cô gái, quay clip tung lên mạng chỉ vì mâu thuận chuyện tình ái của trẻ con thì quả là đáng quan ngại.  

Quan ngại đầu tiên như câu người xưa từng nói: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Con người ta khi mới sinh ra đều thiện lương. Tuổi teen hay học sinh, tâm hồn như trang giấy trắng. Nhưng chúng bị vẩn đục, nguyên nhân không gì khác là do giáo dục.

Các gia đình, các bậc phụ huynh và xã hội cũng đừng vội đổ hết trách nhiệm giáo dục con trẻ cho nhà trường. Ngược lại, gia đình chính là “tế bào của xã hội”, mới đóng vai trò chính yếu trong việc uốn nắn, rèn luyện về tâm tính, nhân cách đối với trẻ. Khoa học đã chứng minh rằng, sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ có sự ảnh hưởng lớn nhất từ giáo dục, văn hóa gia đình.

Cơ quan công an địa phương đã vào cuộc làm rõ vụ việc và bước đầu cho rằng có dấu hiệu phạm tội của nhóm trẻ đã tiến hành việc bắt cóc, lột đồ, đánh đập và quay clip nạn nhân đưa lên mạng. Đó là ở góc độ luật pháp. Còn dưới góc độ xã hội, chúng ta thử đặt một giả thiết rằng nhóm trẻ tuổi teen nếu phải đứng trước vành móng ngựa hay bị xử lí hình sự thì liệu chúng ta có thấy hài lòng? Tất nhiên là không. Bởi ở lứa tuổi đó, đáng ra cần môi trường bình yên để chăm chú học hành thay vì lê la kết bè kết nhóm sa vào chuyện yêu đương dẫn đến mâu thuẫn, đố kị rồi hành xử hung ác vi phạm pháp luật.

Dư luận phẫn nộ khi xem clip được phát tán lên mạng trong những ngày qua. Nhưng đằng sau sự phẫn nộ là gì nếu không phải là sự lo lắng cho con em mình về cái chúng học theo những thói xấu trong xã hội, đó là bêu xấu nhau bằng cách quay clip về đối thủ, nạn nhân rồi tung lên mạng. Khi những đứa trẻ nhiễm những thói hư tật xấu, mạng xã hội vô hình trung càng giúp chúng lún sâu hơn vào các hành vi sai trái của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn