MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh nam sinh tát cô giáo xảy ra từ tháng 5.2020. Ảnh từ clip

Vụ nam sinh tát cô giáo: Tranh cãi đuổi học hay không đuổi học?

Bằng Linh LDO | 20/02/2021 10:15

Vụ việc nam sinh tát cô giáo đã được xác định là xảy ra trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội), nhà trường đã quyết hình thức kỷ luật đối với học sinh Đ.N.N.K là buộc thôi học kể từ ngày 26.5.2020 đến hết năm học 2019-2020. Tuy nhiên, việc này đang gây tranh cãi: có nên áp dụng biện pháp đuổi học với học sinh vi phạm lỗi nghiêm trọng hay không?

Em học sinh lớp 8 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Ba Đình (Hà Nội) khi bị cô giáo thu tai nghe đã văng tục tự ý lấy lại tai nghe trên bàn giáo viên rồi quay lại tát cô giáo.

Vụ việc được xác định là xảy ra từ tháng 5.2020 và em học sinh được xác định là có tâm lý không ổn định trầm cảm, hay mất ngủ, tinh thần căng thẳng, dễ bị kích động, rất sợ bị mất đồ… Đây là biểu hiện của một dạng bệnh lý.

Sau sự việc, nhà trường đã quyết định cho em thôi học từ cuối tháng 5 đến hết năm học và đến năm học 2020-2021 thì em tiếp tục được học lại.

Về quyết định buộc thôi học của nhà trường, đã có nhiều ý kiến tranh cãi. Khá nhiều ý kiến tỏ ra giận dữ và cho rằng cần phải thật nghiêm khắc, thậm chí phải cách ly khỏi môi trường giáo dục phổ thông vĩnh viễn.

Ý kiến khác cho rằng việc đuổi học là không nên bởi: lẽ ra ra một học sinh hư phải được tiếp tục giáo dục, đào tạo chứ không phải đuổi học như một cách “đẩy em ra xã hội, đẩy trách nhiệm cho gia đình và nhà trường”.

Quan điểm của Bộ GDĐT rất rõ: xử lý nghiêm khắc, nhưng đảm bảo tính giáo dục, tính nhân văn.

Chính vì thế, dự thảo thông tư Bộ GĐĐT đưa ra cuối năm 2020 nhằm thay đổi quy định “buộc thôi học 1 năm”, “đuổi học”, “buộc thôi học” bằng một hình thức mang tính giáo dục nhân văn hơn: thay vào đó là hình thức tạm dừng học tập trên lớp với thời hạn tối đa là 2 tuần với một lỗi vi phạm ở mức cao nhất.

Với dự thảo này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng: “Trong giáo dục, đuổi học trò ra khỏi vòng tay người thầy, nhà trường là một hạ sách trong các cách ứng xử. Đuổi học học sinh là cách nhanh nhất để chúng ta chối bỏ trách nhiệm của nghiệp trồng người”.

Thậm chí, có ý kiến gay gắt hơn: Mục đích giáo dục là giúp học trò hoàn thiện bản thân, mà nếu cứ trẻ làm sai và đuổi các em thì chúng ta đang chối từ trách nhiệm giáo dục của chính mình. Trường nào mà đuổi học học sinh là đang vô trách nhiệm với hoạt động giáo dục của mình.

Trở lại câu chuyện em học sinh tát cô giáo đang gây xôn xao. Rõ ràng đây là hành vi không thể chấp nhận trong giáo dục nhưng cách xử lý của nhà trường là hợp lý, trên cơ sở tình trạng tâm lý học sinh: cho thôi học từ tháng 26.5 đến hết năm học. Thực tế thì em học sinh chỉ “bị buộc thôi học” ít ngày cuối cùng năm học và đó cũng là thời gian đủ để mang tính giáo dục và việc nhận lại em ở năm học tiếp theo thể hiện tính nhân văn của nhà trường.

Đuổi học 1 năm rõ ràng là không phải là hình thức hiệu quả trong giáo dục. Nói như thầy Nguyễn Xuân Khang- Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội: “Quyết định đuổi học học sinh có nghĩa là nhà trường đã bất lực”.

Tạo cơ hội để sửa chữa khuyết điểm mới là ý nghĩa của giáo dục chứ không phải giận dữ loại học sinh vi phạm ra khỏi nhà trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn