MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đã phải nấu cháo để chờ gặp lãnh đạo xã giải quyết khiếu nại.

Vụ “Nhận án tù vì… nấu cháo trong sân UBND xã”: Người trong cuộc nói gì?

Hoài Nam LDO | 24/04/2016 06:00
Sau khi báo Lao Động điện tử đăng tải bài “Hà Nội: Nhận án tù vì… nấu cháo trong sân UBND xã” (ra ngày 18.4), bài báo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và đặc biệt ông Nguyễn Chí Trọng – một trong những người bị kết án tù đã đến tòa soạn cung cấp thêm thông tin liên quan đến vụ việc.

Chống tham nhũng mà bị tù thì ai dám chống?

Trái với phán quyết của tòa về việc nấu cháo trong sân UBND xã Liên Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội) là hành vi phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”, bạn đọc Lê Chí Viễn – một trong những người bình luận đầu tiên về bài báo đã có một nhận định đây là “một hình thức đấu tranh chống tham nhũng của người dân”.

Còn bạn đọc Tuan Dinh đặt câu hỏi: “Cho tôi biết điều nào cấm người dân nấu cháo ở sân của trụ sở UBND? Hơn nữa dân họ không rảnh để nấu cháo ở trụ sở đâu”.

“Lại một kỳ án nữa. Người chống tham nhũng bị đi tù. Còn kẻ tham nhũng thì trở thành nhân chứng trước tòa, kết án những người chống tham nhũng về hành vi gây rối”, bạn đọc Thọ phố Gạch bình luận.

Ở cái nhìn vĩ mô hơn, bạn đọc Pham Dan Ne nhìn nhận: “Luật biểu tình chưa có. Đánh trống kêu oan thì bị kết tội gây rối trật tự. Chỉ khổ dân đen”.

Bạn đọc Đăng bình luận: “Tôi không biết rõ người dân gây rối, "đập phá" tài sản như thế nào? Nhưng nấu cháo không phải là tội đáng phạt tù vì nếu nhân viên UBND không thích thì có thể bảo họ di dời việc nấu sang chỗ khác, tránh ảnh hưởng sức khỏe các nhân viên làm viêc. Phạt tù kiểu ăn miếng trả miếng thế này, ai dám đánh tham ô nữa ???”.

Còn bạn đọc Bích Ngọc cho rằng: “Nguời dân bị vi phạm do đâu, nếu cơ quan công quyền giải quyết vụ tham nhũng này nhanh thì người dân có phạm tội không. Chống tham nhũng cương quyết mà bị như vậy còn ai có dám chống”.

“Nấu cháo trước cửa UBND thì khép là tội gây rối, không nấu cháo để ăn chắc được coi là tuyệt thực...”, bạn vanlan có một chút hài hước.

Người trong cuộc nói gì?

Trò chuyện với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Chí Trọng – Trưởng Ban kiểm soát HTX nông nghiệp Đồng Hối nhiệm kỳ 2011 – 2016, Phó Ban Thanh tra nhân dân xã Liên Hiệp nhiệm kỳ 2013 – 2015 khẳng định: “Tôi bị Tòa án ND huyện Phúc Thọ kết án oan sai 18 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”, thực tế không phải như vậy”.

 

 Ông Nguyễn Chí Trọng

Ông Nguyễn Chí Trọng cho biết: “Bản thân tôi và hàng nghìn người dân xã Liên Hiệp là những người bị hại, là nguyên đơn tố cáo tập thể, cá nhân lãnh đạo xã Liên Hiệp và Ban quản lý hai HTX Đồng Hối và Hạ Hiệp sai phạm. Đây là sai phạm hệ thống, kéo dài trong nhiều năm 1995 – 2010. Bộ máy công quyền ở xã Liên Hiệp tự cho mình có khoảng trời riêng, coi thường pháp luật, lộng hành, kết bè, kết mảng… đến năm 2011 mới bị nhân dân phát giác tố cáo tham ô, tham nhũng”.

“Kết luận 62 của UBND huyện Phúc Thọ đã thừa nhận có 52 ha đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích, làm nhà kiên cố trên đất nông nghiệp, nhiều nghìn mét vuông đất gian lận ở các dự án; 9 dự án sử dụng đất nông nghiệp sai phạm phải quyết định thu hồi, quyết định hủy 15 hợp đồng thầu đất chuyển nhượng mua đi bán lại nhiều lần cho người ngoài địa phương để ăn chênh lệch bất chính nhiều tỉ đồng”, ông Nguyễn Chí Trọng cho biết.

Về phiên tòa và Bản án HSST số 63 ngày 14.12.2015 của Tòa án ND huyện Phúc Thọ, ông Nguyễn Chí Trọng cho biết: “Bản án quy kết hậu quả “nhân dân khiếu kiện tập thể đông người nấu cháo tại sân UBND xã đã làm toàn bộ hệ thống chính quyền của xã Liên Hiệp bị đình trệ không hoạt động được” là không đúng với thực tế. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp Tô Văn Sáng, ông Đỗ Hồi – Phó Chủ tịch UBND xã, ông Đỗ Quý – Thường trực Đảng ủy xã và một số cán bộ xã Liên Hiệp khẳng định: Dân khiếu kiện tập thể đông người nấu cháo ở sân UBND xã gây ồn ào nhưng một số các hoạt động của xã vẫn bình thường như họp HĐND xã, Đại hội người cao tuổi, bộ phận hành chính một cửa, địa chính xây dựng… vẫn tổ chức hội họp, hoạt động bình thường”.

“Tôi có mặt ở một số buổi dân nấu cháo là vì chúng tôi được dân cử đại diện hợp pháp, có trách nhiệm giám sát, phòng ngừa những hành vi quá khích. Nếu chúng tôi không có mặt là lãnh đạo xã, CA huyện Phúc Thọ lại gọi điện thoại yêu cầu đến ngay để cùng lãnh đạo xã, CA huyện giải thích, vận động dân về hoặc kết hợp tổ chức hội nghị tiếp công dân. Về vấn đề này tôi đã khai báo rất rõ ràng trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, nhưng không được Hội đồng xét xử Tòa án ND huyện xem xét”, ông Nguyễn Chí Trọng cho biết.

Lật lại hồ sơ vụ án, có một điều đúng như nhận định của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Kiều Duy Chinh  là nguyên nhân vụ án “Xuất phát từ công tác quản lý và sử dụng đất đai của một số cán bộ UBND xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ có sai phạm từ trước năm 2011 được người dân phát hiện mà không được giải quyết dứt điểm, dẫn đến bức xúc”. Ngay cả khi UBND TP Hà Nội có Thông báo Kết luận đơn tố cáo của công dân xã Liên Hiệp vào ngày 10.12.2013, sự việc vẫn được “ngâm tôm”. Gần 7 tháng sau, ngày 24.6.2014 UBND TP Hà Nội phải ra tiếp CV số 4592/UBND-BTCD về việc đôn đốc thực hiện văn bản số 323/TB-UBND ngày 10.12.2013, trong đó “yêu cầu Thanh tra thành phố, CA thành phố, UBND huyện Phúc Thọ khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND TP”.

Ông Nguyễn Chí Trọng cho biết: “Đại diện của dân lên trụ sở để gặp lãnh đạo xã, lãnh đạo xã đều lảng tránh không gặp, kể cả ngày tiếp công dân, khiến dân càng bức xúc. Với quan điểm xã làm sai thì cứ lên xã mà kêu không phải đi đâu cả, nhân dân chúng tôi kéo nhau lên khiếu kiện tập thể đông người – điều mà pháp luật không cấm. Trong lúc chờ gặp lãnh đạo, dân chúng tôi đã nấu cháo tại sân UBND xã để ăn để có sức mà chờ gặp được lãnh đạo xã. Ngày 7.5.2014 nhân dân tiếp tục kéo lên trụ sở tiếp tục nấu cháo thì ngày 16.5.2014 mới có lệnh bắt giam Chủ tịch UBND xã và hai Chủ nhiệm HTX”.

Clip ông Nguyễn Chí Trọng trình bày sự việc với phóng viên Báo Lao Động.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn