MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân từng làm việc tại Công ty TNHH NC LED Vina mong vụ việc được giải quyết dứt điểm. Ảnh: Bảo Hân

Vụ nợ lương, nợ BHXH tại Công ty NC LED Vina: Mong giải quyết dứt điểm

Bảo Hân LDO | 18/02/2023 11:20
Nhiều người lao động từng làm việc tại Công ty TNHH NC LED Vina (Bắc Ninh) không hy vọng được trả lương bị nợ 1 tháng (tháng 4.2020) mà chỉ mong được đóng bảo hiểm xã hội tháng 4.2020 để vụ việc được giải quyết dứt điểm.

Như Báo Lao Động đã thông tin, tại thời điểm tháng 4.2020, Công ty TNHH NC LED Vina (Khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn tại huyện Tiên Du) có 186 lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Toàn bộ công ty dừng hoạt động vào ngày 5.5.2020. Đại diện công ty theo pháp luật là tổng giám đốc và người lao động nước ngoài đã về nước.  

Tính đến ngày 30.4.2020, đơn vị nợ bảo hiểm xã hội số tiền 297.823.748 đồng (tương đương 1 tháng, đơn vị đã đóng hết tháng 3.2020). Do chủ sử dụng lao động rời khỏi đơn vị và không liên lạc được, tạm thời đơn vị báo giảm lao động nghỉ không lương kể từ ngày 1.5.2020.  

Tại thời điểm ngày 31.5.2022, đơn vị còn 86 lao động vẫn đang nghỉ không lương; tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội là 319.549.561 đồng.  

Đến ngày 15.2.2023, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội huyện Tiên Du, tổng số tiền công ty nợ bảo hiểm xã hội là 337.531.547 đồng.  

Chị Hoàng Thị Trăng (sinh năm 1989, quê tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) là một trong số những người lao động từng làm việc tại Công ty TNHH NC LED Vina. Sau khi công ty dừng hoạt động 2 tháng, khi không đợi được nữa, chị Trăng đi làm việc ở công ty khác.  

Chị Hoàng Thị Trăng trao đổi với phóng viên. Ảnh: Bảo Hân 

Chị Trăng có 1 năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại công ty trước khi công ty đóng cửa, chủ doanh nghiệp bỏ về nước. Tổng cộng số năm đóng bảo hiểm là 4 năm, 4 tháng (kể cả thời gian làm việc ở công ty khác). Từ năm 2020 đến nay, chị có thêm 2 năm đóng bảo hiểm xã hội ở công ty mới.  

“Chồng tôi làm nghề tự do, thu nhập không ổn định. Tổng thu nhập của cả 2 khoảng 14 triệu đồng/tháng. Tôi mong khoản nợ bảo hiểm xã hội tháng 4.2020 được giải quyết để vụ việc sớm được giải quyết dứt điểm” - chị Trăng nói.   

Chị Trang bày tỏ, chị đã từ bỏ hy vọng được trả lương bị nợ tháng 4, chỉ mong được đóng bảo hiểm xã hội của tháng 4.2020. “Vụ việc kéo dài lâu quá rồi nên tôi rất sốt ruột” - chị Trăng cho hay.  

Sáng 15.2, khi biết có phóng viên đến tìm hiểu vụ việc, chị xin nghỉ phép 1 ngày để tìm đến cổng công ty với hy vọng sự việc của mình cùng các công nhân khác sẽ được giải quyết.  

Chị Đinh Thị Thi – (quê huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá, một trong những người lao động từng làm tại Công ty TNHH NC LED Vina) cho biết, hiện chị vẫn còn bị nợ 1 tháng lương và chưa được đóng bảo hiểm xã hội tháng 4.2020.  

Chị Đinh Thị Thi lo lắng khi vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm. Ảnh: Bảo Hân 

Khi biết có phóng viên đến tìm hiểu vụ việc, sáng 15.2, chị đi xe máy từ quê ra công ty. Hiện ở quê, chị đang làm tự do. Chị cũng từ bỏ hy vọng được trả lương tháng 4.2020, chỉ mong được giải quyết phần đóng bảo hiểm xã hội tháng 4.2020 để vụ việc được giải quyết dứt điểm.  

Ngày 15.2, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Tiên Du - cho biết, về xác nhận sổ bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp đã đóng hết bảo hiểm xã hội đến hết tháng 3.2020 thì bảo hiểm xã hội huyện Tiên Du đã in tờ rời trả hết cho người lao động.  

Theo ông Đức, hiện nay, chỉ vướng là thời điểm tháng 4.2020 vì đơn vị nợ tiền nên cơ quan bảo hiểm xã hội không xác nhận quá trình đóng trong tháng này được. Hướng của tỉnh chỉ đạo là để người lao động đi làm ở đơn vị khác không bị vướng mắc, khi họ có hợp đồng lao động với công ty khác thì cơ quản bảo hiểm xã hội vẫn xác nhận quá trình đóng bảo hiểm và thực hiện báo giảm cho người lao động. Đến khi nào đơn vị thực hiện xong nghĩa vụ bảo hiểm xã hội thì sẽ xác nhận thời gian đóng bù đó sau.   

Theo đại diện bảo hiểm xã hội huyện, hiện nay có vướng mắc là xác định tình trạng thực tế của doanh nghiệp; cơ quan bảo hiểm xã hội không kết luận được vì liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Sau khi có văn bản trả lời của cơ quan (về xác định tình trạng hoạt động của doanh nghiệp) thì mới có hướng xử lý tiếp theo. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn