MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bé M bị làm nhục tại shop quần áo Mai Hường. Ảnh: cắt từ video

Vụ nữ sinh bị chủ shop bạo hành: Không nên kỳ thị với trẻ chưa ngoan

QUANG ĐẠI LDO | 11/12/2021 10:45

Gần đây, mạng xã hội xôn xao về việc một số cán bộ tổ chức Đoàn thanh niên ở Thanh Hóa đến thăm hỏi, động viên nữ sinh bị chủ shop thời trang Mai Hường bạo hành.

Sự việc em Tr.M (16 tuổi) - nạn nhân trong vụ chủ shop thời trang làm nhục - tiếp tục làm “nóng” dư luận. Đặc biệt, việc một số cán bộ Đoàn tỉnh Thanh Hóa đến thăm, tặng quà, động viên em Tr.M dẫn đến nhiều phê phán, chỉ trích. Nhiều người cho rằng, đó là việc làm hình thức, vô hình trung cổ xúy cho hành vi ăn cắp.

Việc dư luận mạng xã hội bức xúc là do họ không đồng tình với hành vi ăn cắp của em Tr.M. Sở dĩ, Tr.M bị làm nhục vì em có hành vi sai trái trước. Nhiều người cho rằng, cần phải nghiêm khắc dạy dỗ để làm gương.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Cương Giang (Nghệ An), nếu chỉ nhìn bé Tr.M, 16 tuổi, cha mất, nhà nghèo, như 1 kẻ ăn cắp xấu xa, cần phải nghiêm khắc lên án, dạy dỗ... là không thỏa đáng. Hành vi vi phạm của Tr.M sẽ bị pháp luật xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, không thể vì thế mà tổ chức Đoàn quay lưng với đoàn viên của mình.   

“Việc làm của một số cán bộ, tổ chức Đoàn ở Thanh Hóa là thăm hỏi, động viên đoàn viên gặp hoạn nạn, khó khăn, bị làm nhục. Kể cả đoàn viên đó có lỗi lầm, thì cũng cần được động viên, chia sẻ và đồng hành để vượt qua, đi tới; chứ tổ chức Đoàn không thể bỏ mặc đoàn viên khó khăn vì sợ trách nhiệm, sợ liên đới. Đó là hành động mang tính nhân văn, thông cảm và chia sẻ. Dù bất cứ cá nhân, tổ chức nào, thì tính nhân văn phải là tiêu chí hàng đầu”- nhà nghiên cứu Cương Giang nói.

Độc giả Hương Giang (Nghệ An) chia sẻ: “Trong công tác của nhiều tổ chức có hoạt động cảm hoá giáo dục người lầm lỗi, đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội”.

Theo thầy giáo Vũ Đức (Hà Tĩnh), dù sao em Tr.M cũng chưa đến tuổi thành niên, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, bố mất sớm, việc em có lỗi lầm cần được thông cảm và chia sẻ.

“Không ai đồng tình với hành vi sai trái, nhưng là người lớn, tổ chức đoàn thể, thì chúng ta cũng cần nhận thấy trách nhiệm của mình trước hiện tượng trẻ em chưa ngoan, từ đó có biện pháp gần gũi, tiếp cận, tìm hiểu để giáo dục, giúp đỡ các em trở thành người tốt.

Kỳ thị với trẻ em chưa ngoan sẽ đẩy các em dấn sâu hơn vào con đường sai trái. Do đó, nên nhìn hành động của cán bộ tỉnh đoàn Thanh Hóa ở góc độ tích cực, nhân văn” - thầy Vũ Đức nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn