MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu rắc rối về tên gọi nên sau 5 năm triển khai đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động, hiện nay mới chỉ xây dựng trụ sở làm việc. Ảnh: Nhật Hồ

Vụ rắc rối tên gọi Khu công nghệ cao tại Bạc Liêu cần tháo gỡ ngay

NHẬT HỒ LDO | 12/05/2023 16:28
Bạc Liêu - Tỉnh Bạc Liêu cần có văn bản riêng về Khu nông nghiệp này như là một cơ chế đặc thù, không thể đợi thông qua Luật Đất đai mới. Vì như thế sẽ kéo dài, ảnh hưởng đến kinh tế của tỉnh.

Tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu ngày 12.5 trên cương vị Trưởng đoàn công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng tỉnh Bạc Liêu cần kiến nghị riêng đối với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (Khu nông nghiệp).

Báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Chí Nguyện nêu khó khăn đối với việc thực hiện Khu nông nghiệp.

Được Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập đến nay đã hơn 5 năm nhưng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu vẫn chưa thể hoạt động do vướng các thủ tục pháp lý, cần phải điều chỉnh.Ảnh: Nhật Hồ

Cụ thể, ngày 24.5.2017, Thủ tướng Chính phủ Quyết định số 694/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu nông nghiệp trong đó quy định chức năng, quyền hạn của Ban quản lý Khu nông nghiệp: “Được giao đất để tổ chức xây dựng, phát triển...; cho thuê đất cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Tuy nhiên, theo Công văn số 7448/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 30.12.2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định Khu nông nghiệp không phải là khu công nghệ cao. Do đó, chưa có cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp thuê đất, đầu tư dự án trong Khu nông nghiệp theo quy định tại Điều 150 của Luật Đất đai.

Ngày 05.01.2023, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 03/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu; trong đó, tại mục III.7 có nội dung: “Về vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai tại Khu nông nghiệp: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện việc này; tổng hợp, xử lý kiến nghị của tỉnh trong quá trình sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định hiện hành có liên quan”.

Song, theo ông Nguyện, đến nay tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa nhận được ý kiến hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nêu trên từ các bộ, ngành trung ương để làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Do đó, chưa có cơ sở lập thủ tục cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Trưởng đoàn công tác của Chính phủ, tỉnh Bạc Liêu gần như là thuần nông, với 2 nhóm sản phẩm chủ lực là lúa và tôm. Trước biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn thì cả 2 sản phẩm chủ lực này đều đứng trước thách thức, nếu không có giải pháp bền vững cho phát triển trong tương lai thì khó khăn ngày càng lớn nữa.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, với một tỉnh coi con tôm, cây lúa quan trọng thì vướng về cơ chế sử dụng đất trong Khu nông nghiệp cần được tập trung xử lý ưu tiên hơn các việc khác.

“Con tôm thì cứ lớn, nhu cầu sản xuất ngày càng phát triển, đề nghị tỉnh tách nội dung này thành một kiến nghị chính sách riêng để tháo gỡ sớm, theo một cơ chế đề xuất cho thí điểm. Chứ đợi thì rất khó, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của tỉnh rất nhiều”.

Như Báo Lao Động đã thông tin, do rắc rối về tên gọi nên Khu nông nghiệp tới nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Tỉnh Bạc Liêu chờ điều chỉnh Luật Đất đai, điều chỉnh chính sách mới cấp quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp thuê đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn