MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ thầy giáo dâm ô 6 học sinh: Hãy cứu các em trước khi "kết tội thầy"

Hà Phương LDO | 19/04/2018 07:30
“Để tránh bị xâm hại, cha mẹ cần nâng cao trình độ hiểu biết, tìm hiểu và dũng cảm chia sẻ cho con”, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam (giảng viên Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định.

Liên quan đến vụ việc thầy giáo N.Đ.L (SN 1974, giáo viên Trường tiểu học xã An Thượng A, Hà Nội) bị phụ huynh học sinh tố cáo có hành vi dâm ô 6 nữ sinh, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam chia sẻ.

TS tâm lý Trần Thành Nam - ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khi bị xâm hại, trẻ im lặng vì “quá ngoan”?

Theo Tiến sĩ, từ 3 đến 8 tuổi là độ tuổi dễ bị xâm hại nhất do trẻ chưa ý thức được quyền của mình, ngoan ngoãn và coi thầy cô như bố mẹ. Trong suy nghĩ của các em, thầy cô giáo là những người rất có quyền lực. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ các thầy cô sử dụng “quyền lực” đó vào mục đích xấu.

Trong vụ việc vừa xảy ra tại Trường Tiểu học An Thượng A, thầy giáo có những chiến lược tinh vi bởi bản thân thầy L hoàn toàn ý thức được đó là hành vi phạm tội. Ban đầu, đối tượng có những hành vi mua chuộc như cho kẹo, cho cặp sách… để dụ dỗ trẻ. Dần dần, đối tượng tạo áp lực, tìm cách thức nhằm thay đổi nhận thức của trẻ.

"Chúng che giấu hành vi phạm tội trên bằng cách nói cho trẻ những hành vi xâm hại chính là hành vi yêu thương, bảo vệ trẻ. Nếu trẻ kháng cự, chống đối, chúng sẽ đe dọa. Đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh phải đối mặt với đối tượng “quyền lực” nếu phản kháng thì hậu quả tồi tệ hơn rất nhiều”, ông nhấn mạnh.

Hành vi dâm ô trẻ em sẽ gây sang chấn tâm lý nhất định cho trẻ. Ở mức độ nặng, ký ức xâm hại sẽ tái hiện lại trong giấc mơ làm cho các em gặp ác mộng, mất ngủ. Ở mức độ nhẹ, trẻ luôn mang tâm trạng lo lắng, hoảng hốt.

Nếu bị đe doạ “buộc phải giữ bí mật”, trẻ sẽ rơi vào trạng thái bất an. Điều đó trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả học tập, sức khoẻ tinh thần, thể chất của trẻ.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa trẻ với bạn bè, với gia đình sẽ gặp nhiều trở ngại, khó khăn.

Nếu trẻ phản kháng thì hậu quả tồi tệ hơn rất nhiều. Ảnh minh họa. 

Con có biểu hiện lạ, bố mẹ đừng có phản ứng tiêu cực

Để bảo vệ con trẻ, cha mẹ cần lắng nghe, quan sát con để sớm phát hiện những biểu hiện lạ của con. Đặc biệt, cha mẹ cần bình tĩnh, khéo léo ứng xử thay vì những phản ứng tiêu cực.

Tiến sĩ Nam chia sẻ, cha mẹ cần chủ động trau dồi kiến thức cho bản thân. Sau đó, chúng ta trang bị cho con những kiến thức cần thiết để trẻ tự phân biệt được đâu là hành vi đúng, đâu là vùng cấm và quyền lên tiếng của con.

Cũng theo tiến sĩ, cha mẹ nên tâm sự, chia sẻ cho trẻ biết đâu là những bí mật cần phải nói ra, ai là người tin tưởng như cha mẹ, cô giáo, một người thân hoặc các nhân vật hoạt hình quen thuộc. “Bởi vì, khi các con có cảm xúc tiêu cực sẽ chia sẻ với một trong số người tin tưởng. Qua đó, cha mẹ dễ dàng nhận ra dấu hiệu bất thường của con, khi đó gia đình và nhà trường sẽ có những biện pháp tức thì và tránh được sự cố đáng tiếc”.

Trong trường hợp này, cần có người sơ cứu tâm lý ngay cho trẻ. Trẻ cần được bảo vệ an toàn về mặt tâm lý, thậm chí không cho trẻ tiếp cận các thông tin xâm hại. “Cha mẹ cung cấp thông tin chính xác để trẻ hiểu rằng, mọi việc diễn ra như vậy không phải lỗi của con, cách con làm là cách thức tốt nhất trong hoàn cảnh đó, dù có chuyện gì xảy ra mọi người vẫn yêu quý con. Cha mẹ và người thân nên chủ động đáp ứng các mong muốn để trẻ cảm thấy an toàn”, Tiến sĩ Thành Nam nói thêm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn