MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình liệt sĩ Trần Đình Dũng (xã Trịnh Xá, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) tố bà Nguyễn Thị Hạnh giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ thân nhân liệt sĩ. Ảnh: Khánh Linh

Vụ tố giả mạo vợ liệt sĩ: Không đủ căn cứ nhưng vẫn đề xuất hưởng chế độ

Khánh Linh LDO | 04/08/2023 16:41

Hà Nam - Liên quan đến vụ việc gia đình liệt sĩ Trần Đình Dũng tố bà Nguyễn Thị Hạnh giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ vợ liệt sĩ, theo văn bản kết luận, Thanh tra tỉnh cho biết, không có cơ sở pháp lý để chứng minh bà Hạnh là vợ liệt sĩ Dũng.

Không đủ căn cứ chứng minh là vợ liệt sĩ nhưng vẫn đề xuất được hưởng chế độ

Liên quan đến vụ việc gia đình liệt sĩ Trần Đình Dũng tố bà Nguyễn Thị Hạnh (trú tại thôn Tràng, xã Trịnh Xá, TP Phủ Lý, Hà Nam) giả mạo giấy tờ để nhận chế độ vợ liệt sĩ, thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Hà Nam cho biết, căn cứ theo tài liệu lưu trong hồ sơ, bà Hạnh được xác nhận là vợ của liệt sĩ Dũng.

Theo đó, hồ sơ chi trả hiện đang được lưu trữ tại Sở LĐTBXH tỉnh bao gồm đơn xin đề nghị của ông Trần Đình Đỗ và bà Trần Thị Cáy - là bố mẹ đẻ của liệt sĩ Dũng; biên bản xác nhận đề nghị hưởng tuất vợ liệt sĩ của Hội đồng xác minh UBND xã Trịnh Xá; giấy chứng nhận tình hình thân nhân gia đình liệt sĩ, trong đó có ghi bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1950) là vợ liệt sĩ Dũng; đơn xin hưởng tiền tuất liệt sĩ của bà Nguyễn Thị Hạnh.

Ngoài ra còn có biên bản họp nội tộc và kết luận thanh tra của UBND tỉnh Hà Nam.

Nói về nguyên nhân khôi phục lại chế độ sau khi có quyết định cắt và thu hồi quyền lợi, chế độ đối với vợ liệt sĩ là bà Nguyễn Thị Hạnh, đại diện Sở này cho hay, việc khôi phục chế độ được thực hiện trở lại từ tháng 5.2008.

Kết luận của Thanh tra tỉnh Hà Nam liên quan đến việc chi trả tuất liệt sĩ cho bà Hạnh. Ảnh: Khánh Linh

Cụ thể, sau khi Sở LĐTBXH tỉnh Hà Nam có văn bản số 97, ngày 31.7.2007 về việc cắt và thu hồi quyền lợi, chế độ đối với vợ liệt sĩ là bà Nguyễn Thị Hạnh, bà Hạnh đã gửi đơn khiếu nại. UBND tỉnh Hà Nam đã giao Thanh tra tỉnh xem xét, kết luận vấn đề.

Trong kết luận thanh tra có ghi rõ, ngày 21.10.2005, ông Trần Đình Đỗ (bố đẻ liệt sĩ Trần Đình Dũng) tố cáo bà Nguyễn Thị Hạnh không phải là vợ liệt sĩ Dũng nhưng được hưởng chế độ tuất vợ liệt sĩ.

Ngày 22.6.2006, UBND huyện Bình Lục có công văn với nội dung, bà Nguyễn Thị Hạnh có đủ điều kiện công nhận là vợ liệt sĩ Trần Đình Dũng.

Ông Trần Đình Đỗ không nhất trí và tiếp tục có đơn tố cáo. Ngày 31.7.2007 Sở LĐTBXH tỉnh đã có quyết định cắt và thu hồi quyền lợi, chế độ đối với vợ liệt sĩ là bà Nguyễn Thị Hạnh.

Ông Nguyễn Công Trãi trao đổi với PV. Ảnh: Khánh Linh

Ngay sau đó, bà Hạnh đã có đơn khiếu nại về quyết định này. UBND tỉnh Hà Nam đã giao Thanh tra tỉnh xem xét, kết luận vấn đề.

Thanh tra tỉnh Hà Nam đã kết luận, về cơ sở pháp lý, không có cơ sở chứng minh bà Nguyễn Thị Xuyến và bà Nguyễn Thị Hạnh là vợ liệt sĩ Trần Đình Dũng.

"Sở LĐTBXH tỉnh Hà Nam kết luận, bà Nguyễn Thị Hạnh không đủ điều kiện công nhận vợ liệt sĩ Trần Đình Dũng và cắt các chế độ tuất đối với bà Hạnh. Tuy nhiên, xét thực tế, gia đình ông Đỗ đã cưới chị Hạnh cho anh Dũng và chị Hạnh đã có thời gian chung sống với liệt sĩ Trần Đình Dũng.

Năm 1997, ông Đỗ cũng đã có đơn xác nhận chị Hạnh là con dâu ông bà, vợ anh Dũng" - kết luận thanh tra ghi rõ.

Đồng thời, trong kết luận này cũng kiến nghị, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ban hành kết luận giải quyết đối với khiếu nại của bà Nguyễn Thị Hạnh, cho phép vận dụng chế độ vợ liệt sĩ đối với bà Nguyễn Thị Hạnh.

Đồng thời, giao Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Nam vận dụng chính sách, ra quyết định để bà Nguyễn Thị Hạnh tiếp tục hưởng chế độ tuất vợ liệt sĩ.

Không tham gia họp nội tộc nhưng vẫn có tên trong biên bản

Để làm rõ hơn câu chuyện và có cái nhìn đa chiều về sự việc, PV đã về thôn Tràng, xã Trịnh Xá, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam để tìm gặp lại những người có liên quan đến việc này.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Trãi (người có tên trong biên bản họp nội tộc với tư cách là em bà Nguyễn Thị Hạnh), cho biết: "Tôi với chị Hạnh chỉ là chị em trong họ tộc, còn biên bản họp nội tộc nào đó tôi không biết. Lúc đó (năm 2000 - theo biên bản) tôi đang công tác ở tỉnh Hà Tây thì không thể nào có mặt để tham gia họp được".

Biên bản họp nội tộc có chữ ký của ông Quý và ông Trãi. Ảnh: Khánh Linh
Chữ kí trong biên bản họp nội tộc (bên trái) và chữ kí thực tế của hai ông kí trực tiếp ngày 3.8 (bên phải). Ảnh: Khánh Linh

"Chữ kí này cũng không phải chữ kí của tôi" - ông Trãi nói khi PV cho ông xem biên bản họp nội tộc có chữ kí của ông.

Tương tự, ông Nguyễn Công Quý - anh trai bà Nguyễn Thị Hạnh cho hay, ông cũng không được tham gia cuộc họp nội tộc vào ngày 3.4.2000.

Ông Quý chia sẻ: "Cuộc họp này tôi không biết, lúc đó tôi đang làm việc tại TP Phủ Lý. Chữ ký được ký trong biên bản cũng không phải chữ kí của tôi".

Nói về đơn xin xác nhận bà Nguyễn Thị Hạnh là con dâu của cụ Đỗ và cụ Cáy (bố mẹ liệt sĩ), bà Trần Thị Lan - em gái liệt sĩ Dũng cho hay: "Nếu nói hai cụ có thể viết đơn xin đề nghị cho bà Hạnh thì không đúng, vì hai cụ không biết chữ, lại bị điếc nặng, học ký được tên mình đã tốt lắm rồi.

Năm đó cũng không có đám cưới nào diễn ra cả. Việc trong nhà tôi từ chuyện lớn nhỏ đến đám tang bố mẹ tôi, chị Hạnh cũng không có mặt thì làm sao là con dâu được".

Tương tự, thông tin đến PV, cụ Trần Đình Bá (92 tuổi - Bí thư chi bộ thôn Tràng thời điểm năm 1980) cũng cho biết, không có đám cưới nào diễn ra giữa ông Dũng và bà Hạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn