MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông B.X.T cầm dao, ngăn thương lái vào vườn thu hái sầu riêng. Ảnh: Thanh Tuấn

Vụ tranh chấp vườn sầu riêng ở Gia Lai, chủ đất vác dao dọa thương lái

THANH TUẤN LDO | 31/05/2024 15:30

Gia Lai - Khi thương lái đến thu mua sầu riêng, chủ đất cầm dao đe dọa, ngăn cản không được thu hoạch. Để đảm bảo an ninh trật tự, lực lượng Công an xã phải trực tiếp xuống hiện trường can thiệp.

Ngày 31.5, đại diện UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, đã chỉ đạo lực lượng Công an nắm bắt tình hình vụ tranh chấp thuê đất bằng hợp đồng giấy viết tay và việc thu hái sầu riêng đối với 2 hộ dân ở xã Ia Phìn.

Vào trưa 30.5, khi gia đình ông Hà Văn Luyến (trú thôn Bản Tân, xã Ia Phìn) dẫn thương lái đến thu hoạch sầu riêng chín trong rẫy thì bị ông B.X.T (trú xã Ia Phìn) cầm dao ngăn cản, đe dọa các thương lái và cấm đưa sầu riêng ra khỏi vườn.

Do lo sợ, các thương lái không dám đưa quả sầu riêng mang đi. Nhận tin báo, Công an xã Ia Phìn đã xuống hiện trường giải quyết, tránh để hai bên xảy ra xô xát.

Đại úy Đoàn Trọng Thanh - Trưởng Công an xã Ia Phìn, huyện Chư Prông - cho biết: “Công an xã đã lập biên bản, mời hai gia đình lên trụ sở làm việc để có hướng hòa giải. Vụ án tranh chấp thuê đất bằng giấy viết tay đang được Tòa án nhân dân huyện Chư Prông giải quyết. Tuy nhiên, căng thẳng nảy sinh do đang thời kỳ sầu riêng chín, giá cao cần sớm thu hoạch, nếu không thu thì trái rụng gây thiệt hại về kinh tế”.

Ông Luyến khắc khổ bên vườn sầu riêng đã bỏ công chăm sóc. Ảnh: Thanh Tuấn

Người thuê 2,5ha đất làm vườn với thời hạn 7 năm (2020-2027), để thu hoạch thành quả, hoa lợi trên đất là ông Hà Văn Luyến. Tuy nhiên, khi chưa đến hạn chấm dứt hợp đồng và giá sầu riêng đang lên cao thì nảy sinh tranh chấp hợp đồng bằng giấy viết tay với chủ đất.

Chủ đất đòi lấy lại vườn cà phê, sầu riêng đã được người thuê bỏ công sức, tiền của chăm sóc tươi tốt, với lý do… “lo việc gia đình”!

Tuy nhiên, nếu chủ đất là đại diện phía ông B.X.T và bà Đ.T.H (SN 1973, trú xã Ia Phìn) tự ý lấy sầu riêng chín mang bán cũng có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản trái phép, khi vụ việc chưa có phán quyết cuối cùng của tòa án.

Chờ phán quyết công bằng của tòa án thì sầu riêng đã rụng rơi hết, công sức người nông dân trôi ra bể. Ảnh: Thanh Tuấn

Như Báo Lao Động đưa tin, hơn 3 năm trời bỏ mồ hôi nước mắt chăm sóc nương rẫy, vườn sầu riêng, vợ chồng ông Hà Văn Luyến cay đắng, tức tưởi vì không được vào vườn thu hoạch quả để bán cho thương lái.

Ông Luyến cho hay: “Thời điểm đó, khu đất rẫy hoang hóa, cây cối cằn cỗi. Bản thân là người nông dân lao động, vợ chồng tôi đã đổ công sức, vay vốn ngân hàng mua phân bón, điện nước đầu tư vào vườn cây. Đến khi vườn xanh tươi, màu mỡ và trái sầu riêng đang được thu mua giá cao thì chủ đất bỗng nhiên… lấy lại vườn cây, với lý do cần bán đất để lo việc gia đình”.

Ông Lê Văn Nhiều - thẩm phán TAND huyện Chư Prông, Gia Lai - cho biết: “Tôi đã gọi điện trực tiếp cho chủ đất mở cửa cho ông Luyến vào thu hoạch sầu tránh bị rơi rụng, giải quyết cái tình trước đã. Còn việc tranh chấp, chủ đất bồi thường vi phạm hợp đồng như thế nào thì sẽ giải quyết sau”.

Tới đây, phiên tòa hòa giải và mở thủ tục xét xử sơ thẩm ít nhất cũng diễn ra 2-3 tháng nữa, người nông dân thuê đất lao động mưu sinh như ngồi trên đống lửa khi sầu riêng đã bắt đầu rụng xuống đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn