MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Trần Đình Giáp (khu 4, phường Việt Hòa, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) và gia đình đã nộp tiền vào Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Vikor nhưng không được đi Australia, khiến hiện đang phải ôm “cục nợ” hơn 320 triệu đồng. Ảnh: Tô Thế

Vụ vỡ mộng đi lao động tại Australia, NLĐ ôm nợ hàng trăm triệu: Đề nghị CA vào cuộc làm rõ

ANH THƯ LDO | 05/09/2020 10:58
Quá thời gian thoả thuận, Cty CP Đầu tư quốc tế Vikor (Hải Dương) không đưa được người lao động (NLĐ) sang Australia làm việc, nhưng cũng không trả lại kinh phí mà họ đã nộp vào. Trước những thông tin này, đại biểu Quốc hội đề nghị công an vào cuộc làm rõ sự việc, đòi lại quyền lợi cho NLĐ.

Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh về việc nhiều NLĐ đến từ Hải Dương, Hà Tĩnh… phải vay mượn 14.000USD (hơn 320 triệu đồng) nộp vào Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Vikor (Cty Vikor) để được đi Australia làm nông nghiệp. Họ đã ký bản “Thoả thuận tư vấn lao động” đi làm việc tại Autralia theo diện visa 407 với Cty Vikor.

Đến tháng 2.2020, do hết thời gian thoả thuận (6 tháng) nhưng vẫn không được đi Australia, NLĐ nhiều lần đến và liên lạc với lãnh đạo Cty Vikor để xin rút tiền và hồ sơ… nhưng lãnh đạo Cty luôn lảng tránh, khất lần. Trong khi đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, trong số doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện đưa người đi làm việc ở nước ngoài không có tên Cty Vikor.

Đề nghị công an vào cuộc

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Hoà - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - cho hay, đưa người Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Pháp luật đã quy định chặt chẽ, rạch ròi về điều kiện các Cty được cấp phép đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc nước ngoài.

“Được biết, Cty Vikor không có tên trong nhóm DN đủ điều kiện đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Trong khi đó, Cty này vẫn giới thiệu đến NLĐ chương trình đi làm việc tại Australia và nhận số tiền rất lớn từ NLĐ. Như vậy, hành động trên cho thấy Cty đã làm ăn bất hợp pháp” - ông Hòa nói.

Mặt khác, đại biểu Phạm Văn Hoà phân tích, khi không thực hiện đúng theo thoả thuận tư vấn lao động đã ký kết với NLĐ, Cty còn có hành động lẩn trốn, gỡ hết các biển hiệu, logo, đóng cửa trụ sở hoạt động. Việc đó khiến NLĐ đã nộp số tiền rất lớn như “ngồi trên đống lửa”. Không chỉ NLĐ ở Hải Dương mà còn nhiều tỉnh thành khác đã bị Cty “ẵm” số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Đại biểu Hoà khẳng định: “Vấn đề cốt lõi hiện nay là chính quyền địa phương, đặc biệt công an phải vào cuộc, điều tra sự việc kịp thời. Ở đây, việc Cty có giải thể hay bỏ trốn vẫn chưa rõ ràng, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, làm rõ, truy tìm đối tượng là chủ DN. Cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự để thu hồi số tiền cho NLĐ không bị thiệt thòi”.

“Thỉnh thoảng, tôi cũng nghe được thông tin NLĐ ở tỉnh này, tỉnh kia bị Cty lừa gạt. Họ đã nộp tiền cho Cty đó nhưng vẫn không thể đi làm việc ở nước ngoài. Đây là một bài học cảnh tỉnh cho những NLĐ muốn đi xuất khẩu lao động cần tìm hiểu Cty một cách rõ ràng, đủ điều kiện, chức năng đưa NLĐ đi làm việc nước ngoài. Từ đó, tránh tiền mất tật mang” - đại biểu Phạm Văn Hoà đưa ra lời khuyên.

Đầy đủ dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Cũng trao đổi về vấn đề này, bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội - nói rằng, vài trăm triệu đồng là cả gia sản của gia đình, cơ ngơi của NLĐ. Nhiều NLĐ đã phải nai lưng làm lụng, vay mượn mới có số tiền trên để nộp cho Cty mong muốn đổi đời.

Vì vậy, khi sự việc trên xảy ra, bà Bùi Thị An cho rằng: “Khi NLĐ kêu cứu, trách nhiệm của chính quyền địa phương và Bộ LĐTBXH cần vào cuộc ngay. Theo chức năng của mình, công an cũng cần vào cuộc để điều tra. Bên cạnh đó, dù Cty trên không được cấp phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, song là lĩnh vực ngành quản lý, phía Bộ LĐTBXH cần có những yêu cầu để chính quyền địa phương vào cuộc nhanh hơn”.

“Ở đây, thể hiện rõ sự nhạy cảm của cán bộ, lãnh đạo trong xử lý các vấn đề đang tồn tại. Đừng để cơ quan cấp trên có chỉ đạo hay có đơn tố cáo, tố giác đến báo chí thì mới vào cuộc. Liên quan đến lĩnh vực quản lý, cơ quan liên quan cần vào cuộc, xem xét đúng sai như thế nào. Nếu dân kêu đúng xử lý ngay, nếu dân kêu sai phải giải thích rõ ràng” - bà An khẳng định.

Luật sư Đặng Thị Tâm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo thông tin mà Báo Lao Động cung cấp thì Cty Vikor không đủ điều kiện đưa người đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn đưa ra thông tin mình có chức năng này để NLĐ tin tưởng và giao tài sản - tiền của mình cho họ. Sau khi chiếm đoạt số tiền của NLĐ, phía Cty không thực hiện được nghĩa vụ và cố tình trốn tránh họ.

Theo Luật sư Tâm, như vậy, phía Cty Vikor - cụ thể là lãnh đạo Cty đã hứa hẹn đưa NLĐ đi làm việc tại Australia - đã có đầy đủ dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Tùy vào tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà phải chịu khung hình phạt khác nhau. Khung hình phạt cao nhất đối với tội này là phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Sau khi sự việc xảy ra, Luật sư Tâm cho rằng, điều đầu tiên NLĐ cần phải làm là gửi đơn tố giác, tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của lãnh đạo Cty Vikor với Cơ quan Công an có thẩm quyền, kèm theo những hồ sơ liên quan như hợp đồng, hóa đơn có xác nhận của Cty Vikor, xác nhận của Cục quản lý lao động người nước ngoài (nếu có).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn