MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm thu phí Cầu Rác này được đề xuất trích ngân sách 3,3 tỉ đồng để tháo dỡ, hoàn trả mặt đường khiến dư luận quan tâm. Ảnh: Trần Tuấn.

Vụ xin hơn 3 tỉ tháo dỡ trạm thu phí Cầu Rác: Sao phải bỏ ngân sách?

TRẦN TUẤN LDO | 01/06/2021 17:25
Sau thông tin Báo Lao Động phản ánh về việc Chi cục quản lý đường bộ 2.3 (Cục quản lý đường bộ 2, Tổng cục đường bộ Việt Nam) đã đề xuất trích hơn 3,3 tỉ đồng để tháo dỡ trạm thu phí Cầu Rác, hoàn trả lại mặt đường, dư luận rất quan tâm và đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp thu phí xong lại để nhà nước lấy ngân sách dọn "rác"?

Theo đó, ngày 31.5, Lao Động đã có bài viết Hà Tĩnh: Chi 3,3 tỉ đồng dỡ trạm thu phí Cầu Rác có hợp lý?, phản ánh Trạm thu phí Cầu Rác được chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (Tổng Công ty Sông Đà) đưa vào hoạt động để thu phí từ năm 2009 cho Dự án đường tránh TP. Hà Tĩnh có chiều dài khoảng 16km.

Đến tháng 2.2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu dừng thu phí để tính toán lại phương án tài chính của dự án. Đến tháng 12.2020, công trình trạm thu phí đó được giao cho Chi cục quản lý đường bộ 2.3 quản lý.

Từ khi dừng hoạt động, trạm thu phí này trở thành chướng ngại vật giữa Quốc lộ 1, gây mất an toàn giao thông, thực tế đã xảy ra một số vụ tai nạn khi phương tiện đâm vào trụ của trạm này.

Mới đây, Chi cục quản lý đường bộ 2.3 đã đề xuất lên cấp trên và được Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị với Bộ GTVT xin được trích 3,3 tỉ đồng để thực hiện tháo dỡ với cái tên đầy đủ là công trình “Sửa chữa đột xuất tháo dỡ, thanh lý Trạm thu phí Cầu Rác Km539+100, Quốc lộ 1; hoàn trả nền mặt đường và hệ thống An toàn giao thông”.

Hình ảnh trạm thu phí Cầu Rác khi còn hoạt động có lần bị tài xế phản đối thu phí, tập trung gây ách tắc. Ảnh: TT.

Sau bài viết của Báo Lao Động, nhiều bạn đọc ở Hà Tĩnh và các địa phương trong khu vực Bắc Trung bộ cho rằng ngoài số tiền đề xuất để tháo dỡ trạm phu phí, hoàn trả lại mặt đường quá cao thì việc dùng ngân sách để thu dọn công trình mà tư nhân thu phí xong rồi bỏ “rác” lại như vậy là bất hợp lý.

Cụ thể bạn đọc Đặng Vân H. bày tỏ: Xây cái nhà to đùng hết 2 tỉ bạc, phá mấy cái cột bê tông này mà hết hơn 3 tỉ?. Bạn đọc Trần Minh V. viết “Ông nào xây thu phí thì tự tháo dỡ chơ?” Bạn đọc Anh Dũng D. giật mình: Cái gì, 3,3 tỉ luôn?. Bạn đọc Phạm Thành T., bình: Vậy thì phải đấu thầu công khai…

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Tĩnh nói “Hơn 3 tỉ để tháo dỡ, hoàn trả mặt đường trạm thu phí đó thì cao quá. Nếu công ty chúng tôi được tham gia nhận thầu thì tầm khoảng hơn 2 tỉ là làm ngon rồi”.

Ông T. cũng cho rằng, lẽ ra chủ đầu tư Dự án BOT đã hoàn thành thu phí rồi thì phải tháo dỡ, hoàn trả lại mặt đường. Chứ để nhà nước lấy ngân sách xử lý là không hợp lý. Tuy nhiên, về việc tháo dỡ này, theo ông T ngay từ ban đầu khi làm hợp đồng BOT nhà nước cần xác định rõ trách nhiệm cho nhà đầu tư phải tháo dỡ khi hoàn thành thu phí luôn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn