MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phóng viên Quang Đại (người ngồi) trao đổi với người dân trong một lần tác nghiệp tại thị xã Hoàng Mai - Nghệ An. Ảnh: HT

Vui buồn hành trình phóng viên hỗ trợ những người yếu thế, thiệt thòi

QUANG ĐẠI LDO | 10/08/2022 17:11

Những lá đơn, tin nhắn, cuộc gọi của những người dân, người lao động lâm vào hoàn cảnh thiệt thòi, yếu thế đã đưa tôi - phóng viên Báo Lao Động - đến với họ, đồng hành và hỗ trợ tìm được công bằng sau những mất mát, bất công.

Tìm lại công bằng cho người phụ nữ bị tai nạn lao động

Cuối tháng 9.2021, tôi nhận được lời cầu cứu xót xa của một người lao động bị cụt chân trong khi làm việc, bị chủ doanh nghiệp bỏ rơi. 

Chị Nguyễn Thị Tuyết (trú xóm Xuân Hiền, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Nghệ An) - bị cụt mất chân do tai nạn lao động. Ảnh: QĐ

Lần theo địa chỉ của người gửi đơn kêu cứu, tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Tuyết (55 tuổi) tại ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong xóm Xuân Hiền, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Hoàn cảnh gia đình chị rất bi đát.

Vụ tai nạn lao động xảy ra vào khoảng 2h sáng 20.12.2020. Vào thời điểm đó, khi cho gỗ vào máy nghiền tại công ty thì chị Tuyết bị trượt chân, cuốn vào bánh răng. Chị được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng do chân trái đã bị nghiền nát nên phải cắt cụt 1/3 đùi, trở nên tàn phế.

Khi tai nạn xảy ra và trong quá trình chị phải cấp cứu, điều trị, gia đình chỉ nhận được sự hỗ trợ từ phía công ty số tiền 10 triệu đồng; một số cá nhân trong công ty quyên góp, thăm hỏi 2 triệu đồng. Ngoài ra, kể từ khi ra viện, nhiều tháng trôi qua, chị không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía công ty.

"Tôi khổ lắm, đau đớn về thể xác, kinh tế kiệt quệ, không dám mua thuốc, không dám đi viện vì không xoay đâu ra tiền, cũng không có tiền lắp chân giả” - chị Tuyết nghẹn lời.

Từ cuối tháng 9.2021 đến tháng 5.2022, tôi đã viết nhiều bài báo phản ánh về vụ việc và kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Chính quyền địa phương vào cuộc, doanh nghiệp buộc phải thương lượng thỏa thuận hỗ trợ thêm cho chị Tuyết khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, các nhà hảo tâm còn thông qua Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng Lao Động chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của chị, giúp chị vơi bớt thiệt thòi.

Bảo vệ quyền lợi cho công nhân nông trường

Vào tháng 2.2022, nhận được phản ánh của người dân, tôi vượt hàng trăm km về xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An tìm hiểu về những bất cập, bức xúc trong quá trình quản lý canh tác tại đây.

Công nhân, các hộ dân nhận khoán đất do Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành phản ánh bị doanh nghiệp đối xử hà khắc. Ảnh: QĐ

Theo phản ánh, những công nhân, các hộ dân nhận khoán đất do Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành quản lý bị đơn vị này “xử ép”. Do các cây trồng chủ lực như cao su, cam…không hiệu quả nên công ty có chủ trương chuyển đổi sang cây trồng khác. Nhưng khi bà con trồng mía, công ty lập biên bản đình chỉ, buộc phải trồng chè nếu không sẽ thu hồi đất.

Khi người dân trồng mía sai quy hoạch, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành lập biên bản, yêu cầu trồng cây chè theo quy hoạch và đã thu hồi đất của 2 hộ nhận khoán do không tuân thủ quy hoạch của công ty.

Công ty còn ra thông báo nếu hộ nào vẫn trồng mía sai quy hoạch thì sẽ tổ chức cưỡng chế dỡ bỏ, thu hồi đất. Chủ hộ là cán bộ viên chức của công ty thì sẽ cắt danh hiệu thi đua và dừng nâng lương.

Ngoài ra, công ty còn thu tiền khoán đất cao gấp nhiều lần một đơn vị khác cùng loại hình trên 1 địa bàn, xử phạt người dân hàng chục triệu đồng khi họ phá bỏ vườn cao su không hiệu quả, thu luôn cây cao su của dân.

Báo Lao Động đã có nhiều bài phản ánh về sự việc, lãnh đạo tỉnh Nghệ An chỉ đạo, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đã vào cuộc, từ đó người dân nhận khoán đất mới được trồng mía, cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Giúp đại tá cựu chiến binh không phải ngồi tù

Ông Bùi Duy Chân - nguyên tổ trưởng dân phố 7 (thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) - cảm ơn Báo Lao Động đã đồng hành, bảo vệ ông thời gian qua. Ảnh: Quang Đại

Vào tháng 1.2022, sau khi tìm hiểu vụ việc, nghiên cứu hồ sơ, tôi đã có nhiều bài phản ánh trên báo Lao Động về trường hợp ông Bùi Duy Chân - đại tá nghỉ hưu, nguyên tổ trưởng tổ dân phố tại thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) - bị khởi tố có dấu hiệu oan sai.

Trong thời gian làm tổ trưởng dân phố, ông Chân đã phối hợp cùng cơ quan chức năng lập hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hơn 100 hộ dân trên địa bàn.

Ông Chân bị khởi tố về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với khung hình phạt từ 10- 15 năm tù.

Các bài báo đã phản ánh việc khởi tố ông Chân có dấu hiệu oan sai, việc áp dụng tội danh nói trên đối với ông Chân là thiếu căn cứ pháp lý vững chắc. Phiên tòa sơ thẩm sau đó đã tuyên án ông Chân 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, một trường hợp rất đặc biệt đối với bị can bị truy tố ở khung hình phạt từ 10 - 15 năm tù (tội rất nghiêm trọng).

Những bài báo viết về ông Bùi Duy Chân đăng trên báo Lao Động được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội, người dân rất đồng tình vì họ hiểu rõ con người ông Chân thật thà, hết lòng vì việc chung, không vụ lợi. Ông Bùi Duy Chân rất vui mừng, cảm động và viết thư cảm ơn báo Lao Động đã đồng hành, bảo vệ ông.

Quá trình làm báo hơn 10 năm, tôi cũng đã được nhiều giải thưởng báo chí quốc gia và cấp bộ ngành, cấp tỉnh, nhưng với tôi, “giải thưởng” cao quý, đáng trân trọng nhất là tấm lòng, tình cảm, sự yêu quý của bạn đọc dành cho mình. Đó là động lực để tôi vượt qua rất nhiều khó khăn, áp lực của nghề báo.

Từ đó, tôi thấy rằng, những điều mình làm được thật quá nhỏ bé. Cuộc sống còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết, bản thân cần phải phấn đấu rất nhiều và liên tục để đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp cũng như của độc giả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn