MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vui buồn mùa cưới: Không thân thiết thì không mời

LƯƠNG HẠNH LDO | 01/11/2022 06:00

Khách nào nên mời, khách nào không nên mời luôn khiến các cặp đôi “đau đầu” trước ngày tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, nhiều người chia sẻ sẽ không mời những người không thân thiết đến tham dự ngày trọng đại của mình.

Chuyển khoản là hình thức mừng cưới tiện lợi

Sau hơn 3 năm yêu nhau, chị Nguyễn Phương (Bắc Ninh) và người yêu đã quyết định tiến đến hôn nhân. Sau hơn 2 tháng lên kế hoạch và chuẩn bị, đám cưới tổ chức vào tháng 9.2022.

“Không chỉ tôi mà cô dâu nào cũng sẽ không khỏi lo lắng, hồi hộp khi sắp đến ngày trọng đại của cuộc đời. Tuy tôi có lúng túng nhưng mọi chuyện mau chóng được sắp xếp ổn thỏa khi giờ đây những dịch vụ cưới hỏi rất chuyên nghiệp; hai bên gia đình đã lo lắng, đỡ đần rất nhiều cho vợ chồng tôi”, chị Phương bày tỏ.

Đám cưới của chị Phương diễn ra vào tháng 9.2022. Ảnh: NVCC.

Theo chị Phương, tùy từng vùng miền mà giá một mâm cỗ khác nhau. Đám cưới của chị Phương được tổ chức tốn khoảng 120 triệu đồng tiền cỗ chưa tính các chi phí “râu ria” khác. 

Với khoản khách mời tham dự đám cưới, chị Phương cảm thấy khá ngại khi mời bạn bè lâu ngày không liên lạc. Tuy nhiên, cô dâu này cũng bày tỏ dù có lâu không liên lạc thì những người được mời đều là bạn bè thân thiết. Mức quan hệ đủ thân thiết để biết khách mời sẽ đi đám cưới của chị. Sau khi liên lạc để mời cưới thì chị đều nhận được những lời chúc mừng và sự vui vẻ từ khách. 

Việc chuyển khoản để mừng đám cưới, chị Phương cho rằng ở thời đại dùng tiền chuyển khoản nhiều hơn tiền mặt thì khách mời đều có thể chuyển tiền mừng.

“Chuyển khoản mừng đám cưới thực sự rất tiện lợi nên tôi nghĩ các cặp đôi không cần quá e ngại về vấn đề này. Bạn bè tôi biết hôm đó tôi bận tiếp khách nên không hỏi trực tiếp số tài khoản mà hỏi qua những người bạn thân của tôi”, chị Phương tâm sự.

Sợ bị hiểu nhầm “cần tiền phong bì”

Ngày cưới là ngày trọng đại nhất của cuộc đời nên cô dâu, chú rể đều mong muốn nhận được sự chúc phúc từ bố mẹ, họ hàng, bạn bè đôi bên. 

Vì vậy, cô dâu Nguyễn Hiệp cho rằng với những bạn bè không thân thiết, chị sẽ không mời đến tham dự đến đám cưới để tránh bị hiểu nhầm “cần tiền phong bì”.

“Với bạn bè lâu ngày không liên lạc, tôi cũng đắn đo không biết nên mời hay không. Nhưng nếu đã là bạn bè thân thiết, ngay cả không liên lạc nhiều ngày tháng thì chúng tôi cũng không mất đi tình bạn được. Do đó, tôi không ngại việc mời các bạn thân lâu ngày không liên lạc”, chị Hiệp tâm sự.

2 tháng trước đám cưới, chị Hiệp cùng gia đình lên kế hoạch chuẩn bị. Tiền chụp ảnh cưới hết 12 triệu đồng, tiền trang điểm hết 3 triệu đồng. Với một mâm cỗ trong đám cưới, chị Hiệp phải trả số tiền 1,7 triệu đồng.

Hiện nay, vợ chồng chị Bích Phương đã có một bé trai và một bé gái. Ảnh: NVCC.

Còn chị Bích Phương (Lào Cai) lên kế hoạch chuẩn bị đám cưới từ năm 2019. Thế nhưng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đến 10.2022 cặp đôi này mới tổ chức được.

Trong quá trình chuẩn bị, chị Bích Phương tỏ ra rất lo lắng vì sợ thiếu hoặc thừa cỗ trong đám cưới. Đặc biệt, chị Bích Phương còn cảm thấy hết sức ái ngại vì đắn đo mời những người đã lâu ngày không trò chuyện.

"Lúc đi mời cưới những người lâu không trò chuyện tôi rất ngại, nhưng không mời thì lại sợ họ trách", chị Bích Phương cho hay. 

Cô dâu này cũng cho biết thêm chụp ảnh cưới hết 15 triệu đồng, thuê thêm váy cưới hết 1,6 triệu đồng, thuê trang điểm hết 1,3 triệu đồng; riêng tiền cỗ hết 188 triệu đồng. Sau đó, đám cưới của vợ chồng chị Phương cũng diễn suôn sẻ.

Liên quan đến những câu chuyện vui buồn vào "mùa" cưới, bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn