MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một bạn đọc đến Báo Lao động nhờ tư vấn pháp luật ngay trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Đức Long

Vui, buồn tư vấn pháp luật

NAM DƯƠNG LDO | 01/05/2021 20:30

Làm công việc tư vấn pháp luật, không phải lúc nào chúng tôi cũng nhận được những lời cảm ơn, thậm chí đôi khi phải gánh chịu những bức xúc, ấm ức được trút ra từ người hỏi.

Đa dạng hình thức, lĩnh vực tư vấn pháp luật

21h, tiếng chuông của điện thoại tư vấn pháp luật (TVPL) reo. Ngần ngừ một chút, tôi nghe máy. Đầu dây bên kia là một nữ công nhân nhờ tư vấn về chế độ thai sản. Sau khoảng 5 phút nghe và giải đáp thắc mắc, chị cảm ơn tôi vì biết chắc mình đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con vì đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh. Những cuộc TVPL cho người lao động (NLĐ) thông qua điện thoại vào thời điểm 20 - 21h của Văn phòng TVPL Báo Lao Động không phải là hiếm. Sau một ngày làm việc vất vả, đó là những lúc NLĐ có thể thảnh thơi để nhờ TVPL những vấn đề họ quan tâm.

Văn phòng TVPL của Báo Lao Động ra đời từ năm 2015, với nhiệm vụ chính là tư vấn, giải đáp miễn phí thắc mắc của NLĐ về các lĩnh vực pháp luật về lao động như Bộ luật Lao động; Luật Bảo hiểm xã hội, BHYT; các quy định về BHTN và trợ cấp thất nghiệp; Luật Công đoàn… Lâu dần, nhiều bạn đọc tham vấn Văn phòng TVPL cả về những lĩnh vực khác như đất đai, hôn nhân gia đình, tranh chấp dân sự, thừa kế hay hình sự… Hoạt động của Văn phòng TVPL Báo Lao Động được thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú như: Tư vấn trực tiếp tại trụ sở chính của Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) và trụ sở Cơ quan thường trú Báo Lao Động tại TPHCM (198 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM); tư vấn qua các số điện thoại 0979310518, 0961360559; tư vấn qua địa chỉ email tuvanphapluat@laodong.com.vn. Và mới đây, một hình thức TVPL mới được thực hiện, đó là Chương trình TVPL bằng video được phát định kỳ trên mục MEDIA của laodong.vn vào 20h tối Chủ nhật hằng tuần và sau đó được lưu lại trên chuyên mục này để bạn đọc có thể theo dõi bất kỳ khi nào. Nội dung này cũng được phát lại trên kênh YouTube của Báo Lao Động, có bản tin thu hút hàng trăm nghìn người xem.

Điều đáng mừng, nếu thời gian đầu, chủ yếu bạn đọc là NLĐ quan tâm, thì thời gian gần đây lại có nhiều bạn đọc là người sử dụng lao động hoặc nhân viên nhân sự của các doanh nghiệp nhờ tư vấn.

Trung bình, hằng tuần chuyên mục TVPL của Báo Lao Động nhận và trả lời hàng trăm cuộc qua điện thoại và qua email. Nhưng có thời điểm, với những vấn đề mà người dân đặc biệt quan tâm, như việc đổi chứng minh nhân dân sang căn cước công dân vừa qua, mỗi ngày chỉ riêng số điện thoại TVPL 0961360559 đã nhận 40-50 cuộc gọi. Tương tự, email tuvanphapluat@laodong.com.vn cũng nhận hàng chục email nhờ tư vấn. Trên thực tế, các câu hỏi của bạn đọc lặp lại khá nhiều, tiêu biểu như nội dung chứng minh nhân dân 9 số có còn hiệu lực? có bắt buộc phải đổi từ chứng minh nhân dân/căn cước công dân sang căn cước công dân khi gắn chíp không, thủ tục đổi chứng minh nhân dân qua căn cước công dân thế nào? hay khi nào thì nhận được căn cước công dân… khiến chúng tôi cũng có chút nhàm chán, nhưng cũng vui và tự hào vì được bạn đọc tin tưởng.

Bị mắng vì không trả lời đúng… ý muốn của bạn đọc

Thế nhưng, không phải lúc nào làm công việc TVPL, chúng tôi cũng nhận được những lời cảm ơn, mà đôi khi phải gánh chịu những bức xúc, ấm ức được trút ra từ người hỏi và những lần như thế cũng không phải là hiếm.

Đó là những khi bạn đọc không đồng ý với trả lời của chúng tôi, dù chúng tôi chỉ trả lời theo quy định của pháp luật. Nhưng dường như những quy định đó không giải quyết được vấn đề của bạn đọc nêu ra. Chẳng hạn, một bạn đọc hỏi về quy định ủy quyền cho người thân đi xác định tình trạng hôn nhân. Theo quy định của pháp luật hiện hành, một người được ủy quyền cho người thân của mình đi xác định tình trạng hôn nhân. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật; phạm vi uỷ quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền. Thế nhưng bạn đọc này lại chất vấn chúng tôi “chỉ là việc xác định tình trạng hôn nhân thôi mà tại sao lại phải công chứng, chứng thực giấy ủy quyền?” và không giấu vẻ khó chịu. Thú thật, chúng tôi cũng không biết nói gì hơn, chỉ biết trả lời đó là quy định của pháp luật và tại sao như thế thì chúng tôi không được rõ lý do hay được quyền giải thích luật.

Một trường hợp nữa cũng khiến chúng tôi thường xuyên “lãnh đạn”, đó là bạn đọc nhầm lẫn chức năng TVPL của chúng tôi với chức năng giải quyết vụ việc của cơ quan có thẩm quyền. Nhiều cuộc gọi đến được bắt đầu bởi câu hỏi: “Tại sao chúng tôi đã làm đủ thủ tục, hồ sơ mà không được giải quyết?” với giọng khá gay gắt. Chỉ sau khi nghe chúng tôi giải thích về công việc của mình, nhiều bạn đọc mới “à”, “ồ”, nhưng cũng có nhiều bạn đọc cắt ngang máy một cách đột ngột không quan tâm đến cảm xúc của người trả lời. Thậm chí, có lần chúng tôi còn bị mắng xối xả với những lời tục tĩu vì chỉ tư vấn theo đúng luật mà không tư vấn theo đúng… ý muốn của bạn đọc hoặc không tư vấn kiểu lách luật.

Dù có những lúc thực sự mệt mỏi và buồn như thế, nhưng khi điện thoại TVPL reo và được nghe câu: “Có phải Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động không?”, chúng tôi lại rạo rực một niềm vui: Biết đâu, nhờ tư vấn của mình, có người sẽ được nhận quyền lợi hợp pháp hoặc quan hệ lao động lại nhờ đó mà bớt đi một lần tranh chấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn