MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (khu vực Đắk Lắk) đã bị phá trắng để làm đường Trường Sơn Đông. Ảnh: PV

Vườn Quốc gia đâu phải là nơi tự do oanh tạc, mở cả đường lớn?

Thanh Hải LDO | 15/02/2022 14:00

Cả 2 Vườn Quốc gia: Chư Yang Sin (khu vực Đắk Lắk) và Bidoup - Núi Bà (thuộc tỉnh Lâm Đồng) đều vừa phát hiện bị xâm hại nghiêm trọng khi làm đường giao thông Trường Sơn Đông. Nhưng, vì sao đến khi hàng chục héc-ta rừng ở các khu bảo tồn rừng quốc gia này bị xâm hại, phá trắng 100% thì mới được phát hiện...

Trước đó (ngày 12.2), Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp Hạt Kiểm lâm Lạc Dương, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tiến hành kiểm tra hiện trường thi công đường Trường Sơn Đông - đoạn qua tỉnh Lâm Đồng khi mà rừng thuộc Vườn Quốc gia này đã bị xâm hại, ủi trắng cả chục ngàn mét vuông.

Kết quả kiểm tra hiện trường tại vị trí thuộc một phần các tiểu khu 22, 26, xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương với tổng chiều dài tuyến đường đã mở 3.321 mét, bề rộng đường trung bình khoảng 4m. Hai vị trí san ủi khác với tổng diện tích 8.300m2. Trong đó  7.300m2 là trong ranh giới đã chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích đất đường giao thông và 1.000m2 khác là thuộc đất rừng đặc dụng. 

Tất cả việc xâm hại lâm phận Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà là để làm đường Trường Sơn Đông, do Ban Quản lý dự án 46 – Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng thực hiện. Trước mắt, Lâm Đồng đề nghị dừng thi công để điều tra.

Tương tự, tỉnh liền kề phía bắc là Đắk Lắk cũng vừa phát hiện hơn 15ha rừng nguyên sinh thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đã bị phá trắng 100% để thực hiện dự án này, khi chủ đầu tư chưa được sự cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Trong hơn 15ha rừng bị phá trắng ở Đắk Lắk, diện tích đo đếm được là khoảng 12,45ha và 3ha diện tích ước lượng (taluy đường đã san ủi). Mức độ thiệt hại về rừng là 100%. Chiều dài tuyến đường đã san lấp khoảng 7km. Tổng trữ lượng cây lớn, nhỏ từ 10cm trở lên bị thiệt hại theo kết quả phúc tra hiện trạng tại khu vực này là 246m3...

Đắk Lắk cũng kiến nghị tạm dừng thi công dự án tại đây để điều tra, xử lý.

Tuy nhiên, ngoài sai phạm về thủ tục hành chính, chưa đủ hồ sơ pháp lý mà đã thi công như phát hiện ban đầu, thì cơ quan chức năng cũng cần điều tra rõ, xử lý việc xâm hại rừng Quốc gia, phá trắng hàng chục héc-ta, đốn hạ hàng trăm mét khối cây gỗ rừng... Nhất là việc phá rừng khi chưa có giấy phép, chưa có hồ sơ khảo sát, đo đạc, thẩm định, chưa có giấy phép khai thác tận thu, tiêu thụ lâm đặc sản. Ai đã đốn hạ hàng trăm mét khối gỗ? Gỗ bây giờ ở đâu? Ai được phép tiêu thụ?...

Mặc khác, cũng không thể không truy cứu trách nhiệm của Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và Bidoup - Núi Bà, trách nhiệm của  chính quyền cơ sở ở Lâm Đồng và Đắk Lắk. Bởi việc phá trắng rừng, san ủi cả chục km đường giữa Vườn Quốc gia không phải là kiểu lén lút, đột nhập chặt vài cây gỗ của lâm tặc, khó phát hiện. Vì sao khi rừng vừa bị xâm hại, các lực lượng ở cơ sở này không lập tức kiểm tra, kiến nghị dừng ngay từ đầu?

Được biết, riêng cán bộ kiểm lâm của 2 vườn Quốc gia này không dưới 100 nhân sự, ngân sách phải duy trì hoạt động của mỗi Vườn Quốc gia là hàng tỉ đồng mỗi năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn