MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huỳnh Nguyễn Mai Phương là hoa hậu đầu tiên bán vương miện chỉ sau 1 tháng đăng quang. Ảnh: MWVN.

Vương miện và phượng quan không phải là món hàng có thể mua bán

Nguyên Đức LDO | 19/09/2022 16:15
Nhân việc mới đây, một hoa hậu “rao bán” vương miện để làm từ thiện và “chốt được” giá 3 tỉ đồng, nhiều người cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của một hoa hậu – người của công chúng.

Tượng trưng cho giá trị hình ảnh với cộng đồng

Trước hết, cần làm rõ giá trị của vương miện khi được trao cho các hoa hậu sau những cuộc thi sắc đẹp. Những vương miện ấy có thuộc quyền sở hữu của các hoa hậu không, để được tự ý định đoạt ứng xử.

Và ngay cả khi có tạm quyền với vương miện ấy, các hoa hậu có được “rao bán” không, cần có hẳn một quy tắc minh bạch.

Căn cứ truyền thống văn hóa, từ xuất phát điểm “vương miện” là gì, có thể thấy rõ cách hành xử đúng mực của một hoa hậu với vương miện – vật phẩm tượng trưng cho giá trị được cộng đồng công nhận.

Cần biết, hai chữ "vương miện" liên quan đến chế độ phong kiến ngày xưa, chính xác hơn là chế độ quân chủ tập quyền đã tồn tại ở các triều đại trong lịch sử.

Vương miện, chính là biểu tượng quyền lực của người cầm đầu chế độ quân chủ tập quyền, ở cả phương Đông và phương Tây.

Về sau, hình ảnh vương miện được mở rộng, là loại mũ đội đầu của các vị thánh, giáo chủ giáo phái, gắn liền với các vật phẩm khác như ngai vàng (vua chúa), quyền trượng (giáo phái), bảo kiếm (quý tộc, thần thánh) để biểu hiện uy quyền, vị thế người lãnh đạo.

Mãi sau này, vương miện mới được chế tác làm biểu tượng cho các cuộc thi sắc đẹp ở nữ giới, có ý nghĩa tượng trưng cho giá trị hình ảnh với cộng đồng, chứ không có uy quyền hay trách nhiệm, giá trị xã hội nào cả.

Trong lịch sử các triều đại, nhất là phương Đông, vương miện được định vị rõ ràng ở góc độ biểu tượng quyền uy, thể hiện cho đế chế, lực lượng cầm quyền.

Người đội vương miện có tính chất đại diện, chứ không phải bản thân có quyền sử dụng hay chiếm đoạt riêng về biểu tượng ấy.

Nghĩa là ai đội vương miện sẽ được công nhận vị thế quyền bính, không cần phân biệt rõ ràng đó là ai. Song để thực sự minh chính người đội vương miện là có thực quyền hay không, lại phải căn cứ vào chính bản thân người đó.

Nếu đó là vua, ở các triều đại phương Đông, sẽ có long mão (mũ vua) thể hiện quyền lực cá nhân của vị vua đó. Nếu là vợ vua, tức hoàng hậu, sẽ là phượng quan (mũ phượng) thể hiện quyền lực của vị hoàng hậu đó.

Long mão và phượng quan, là biểu hiện cụ thể quyền lực, giá trị của một vị vua và hoàng hậu, còn vương miện thể hiện uy quyền của chế độ, lực lượng mà vị vua đó đại diện, cầm đầu.

Không thể bán vương miện

Với cách hiểu này, có thể khẳng định, vương miện hoa hậu chỉ là một biểu tượng bề ngoài, xác định vị trí với cộng đồng của người đẹp đạt giải thưởng sắc đẹp.

Người đẹp đó không có quyền thể hiện tính chất, giá trị thương mại hóa về vật phẩm biểu trưng mình đang tạm giữ, là vương miện.

Các hoa hậu không thể sử dụng vương miện được trao vào các hoạt động mang tính chất thương mại hóa. Nếu muốn có giá trị thương mại hóa, hoa hậu có thể sử dụng những vật phẩm của chính bản thân mình hay tổ chức của mình, như quần áo, giày dép, logo…

Để đấu giá, bán đi các vật phẩm này, nhằm làm từ thiện hay mục đích gì khác, các hoa hậu phải dựa vào chính giá trị mình có được với cộng đồng, chứ không phải sử dụng vật phẩm biểu trưng được cộng đồng giao cho quản lý.

Cụ thể, hoa hậu có thể bán bộ áo dài mình mặc khi đăng quang, hoặc một đôi giày dùng để đi làm công tác xã hội ở đâu đó, cho những người hâm mộ, tạo quỹ, hay tiền để tiến hành các hoạt động của mình. Tuyệt nhiên, hoa hậu không được lấy vương miện, băng quàng… được trao cho để làm các hoạt động theo ý của mình.

Nhà vua có thể bán long mão, hoàng hậu có thể bán phượng quan, rồi những loại trang sức, vật dụng… của cá nhân mình, nếu muốn huy động tài chính, chứ không thể đem vương miện đi cầm cố thế chấp được. Hành động như vậy là sai lệch giá trị, không thể chấp nhận được.

Và những người đẹp, hoa hậu cũng không thể viện dẫn các vương miện thành món hàng hóa mà bán ra thị trường, bán ra cộng đồng dù để làm từ thiện chăng nữa. Giá trị nào phải xác định rõ giá trị đó, không thể cào bằng trộn lẫn được.

Sự thật thì hoa hậu không có giá trị để có được phượng quan, nên lại càng không thể đem vương miện hoa hậu ra làm vật chứng ngã giá với cộng đồng.

Hiểu đúng vương miện và phượng quan, sẽ thấy rõ việc gì nên làm!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn