MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có trên 300 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn (ảnh chụp tại tuyến đường liên xã đoạn qua đia bàn xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Ảnh: Diệu Anh

Xã đạt chuẩn nông thôn mới ở Ninh Bình ám ảnh với rác thải

DIỆU ANH LDO | 06/07/2023 17:35

Ninh Bình - 119/119 xã ở tỉnh Ninh Bình đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên nhiều xã vẫn chưa có bãi tập kết rác thải theo quy định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt...

Hiện mỗi ngày, trên địa tỉnh Ninh Bình có trên 300 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn, chiếm khoảng 70% tổng lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải còn nhiều tồn tại, hạn chế, rác thải vẫn vứt tràn lan ra đường, gây ô nhiễm môi trường.

Tại xã Gia Tiến (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), rác thải bị người dân vứt tràn lan ra đường, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016, tuy nhiên đến nay, xã Gia Tiến vẫn chưa xây dựng được bãi tập kết rác thải theo quy định.

Rác thải được người dân vứt tràn lan trên tuyến đường liên xã đoạn qua địa bàn xã Gia Tiến. Ảnh: Diệu Anh

Theo ghi nhận của PV Lao Động, bãi tập kết rác của xã Gia Tiến nằm ngay trên tuyến đường liên xã, xung quanh là vùng đồng ruộng và chỉ cách trụ sở UBND xã khoảng 300m, rác được vứt tràn lan ra đường và tràn cả xuống phần ruộng canh tác của người dân. Nước thải từ bãi rác chảy ra đường đen kịt và bốc mùi hôi thối.

Trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo UBND xã Gia Tiến cho biết: Hiện xã vẫn chưa có bãi chôn lấp hay bãi tập kết rác tập trung nên người dân cứ tiện đâu thì đổ đấy. Việc xử lý rác thải hiện nay xã đã ký hợp đồng với một đơn vị để thu gom rác thải sinh hoạt mỗi tuần 1 lần, sau đấy vận chuyển đi nơi khác để xử lý. Đồng thời, dưới các thôn có thành lập tổ thu gom rác thải, với mức thu 6.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân không nộp tiền, lén lút đổ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.

"Vì lượng rác thải quá nhiều trong khi một tuần, đơn vị xử lý rác thải mới thu gom một lần nên lượng rác thải ùn ứ nhiều. Hiện nay nếu đầu tư xây dựng một bãi tập kết rác thải theo đúng quy định, nằm xa khu dân cư thì kinh phí rất lớn, xã chưa có khả năng để đầu tư" - đại diện lãnh đạo xã Gia Tiến cho hay.

Theo ghi nhận của PV Lao Động, không chỉ tại xã Gia Tiến mà nhiều địa phương khác ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, đặc biệt là tại các xã Gia Vân, Gia Thịnh, Gia Thủy (huyện Gia Viễn), xã Khánh Công, Khánh Cường (huyện Yên Khánh), xã Cúc Phương (huyện Nho Quan)...

Bãi tập kết rác thải tự phát tại xã Gia Tiến gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Diệu Anh

Ông Lê Hùng Thắng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cho biết: Cùng với sự gia tăng về dân số, sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao thì lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, gây áp lực lên môi trường sống ngày càng cao. Vì vậy, việc đầu tư hệ thống thu gom, vận chuyển, các công trình xử lý rác thải đồng bộ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết và là nhu cầu thiết yếu để đảm bảo môi trường, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng.

Cũng theo ông Thắng, để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020-2025. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đạt khoảng 85% và xử lý triệt để các điểm tồn đọng rác thải tại các khu dân cư, các trục đường giao thông, các bãi rác cũ và chấm dứt xử lý rác thải tại các bãi chôn lấp nhỏ lẻ trước năm 2025...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn