MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng xả rác bừa bãi trên đường phố tại TPHCM. Ảnh: Anh Tú.

Xả rác trả tiền theo cân: Công bằng, văn minh nhưng cần giám sát chặt

Thế Lâm LDO | 13/06/2020 18:44

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) qui định hình thức thu phí xử lí rác thải theo khối lượng đang được dư luận quan tâm. Theo đó, các tổ chức cá nhân càng xả nhiều rác sẽ phải trả phí nhiều hơn thay vì “cào bằng”, “ai cũng như ai” như hiện nay.

Ngay khi điểm qui định mới này trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, không ít ý kiến băn khoăn rằng có thể nảy sinh tiêu cực từ lực lượng thu gom rác với các cá nhân, tổ chức xả thải rác.

Tuy nhiên, thông tin sau đó được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ thêm, cho biết phương thức thu phí được tính vào giá bao bì chứa đựng rác, từng loại bao bì theo qui định sẽ chứa từng loại rác nhất định, như vậy vấn đề tiêu cực đề cập ở trên có thể được hạn chế.

Trên thực tế, việc thu phí xả rác theo khối lượng, thể tích đã được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tại Châu Á triển khai áp dụng tạo ra sự công bằng và văn minh hơn trong lĩnh vực này. Các hộ khá giả và giàu có, tiêu dùng nhiều, xả thải nhiều rác, phải trả phí nhiều hơn là một lẽ. Còn với những cá nhân, hộ gia đình, chịu khó phân loại rác, tách được loại rác tái chế ra khỏi các loại rác sinh hoạt không thể tái chế, thì phí xả rác cũng được giảm thiểu.

Như vậy, sự công bằng không chỉ thể hiện qua mức phí đánh trên khối lượng/thể tích rác xả ra, mà còn trên hành vi văn minh và chưa văn minh (phân loại rác tại nguồn). Qui định như thế, có thể kích thích các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khi thải ra rác sinh hoạt sẽ chịu khó phân loại rác tại nguồn để được hưởng lợi từ chính hành vi văn minh đó của mình.

Tất nhiên, bất cứ qui định nào, không thể tự nó có thể tạo ra sự công bằng tuyệt đối hay tạo ra được hiệu quả 100% trong xã hội. Có lí khi Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, quan trọng nhất vẫn là người dân nhận thức về tình trạng xả rác như thế nào và ủng hộ, chấp hành qui định về bảo vệ môi trường đến đâu. Sự chuyển biến này, ngay tại Hàn Quốc cần đến 10 năm.

Thậm chí tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có nền kinh tế - xã hội phát triển hơn Việt Nam, các qui định về bảo vệ môi trường còn được qui định khắt khe hơn Việt Nam.

Đơn cử tại Đài Loan (Trung Quốc), các hộ bị người khác đặt rác trước nhà vẫn có thể bị phạt. Chính từ qui định này, nhiều hộ gia đình có nhà ngoài mặt đường phải gắn camera an ninh để phát hiện đối tượng lén bỏ rác trước nhà họ.

Đối với các hành vi xả rác bừa bãi trên phố, nơi công cộng thì cũng sẽ có hệ thống camera an ninh công cộng ghi lại và dùng làm bằng chứng để tiến hành xử phạt.

Qui định dù có tính ưu việt, nhưng muốn đi được vào cuộc sống một cách hiệu quả cũng cần song hành với công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên và biện pháp chế tài, xử lí nghiêm minh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn