MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một đoạn kè dọc sông Vàm Cỏ Tây qua TP. Tân An đã được đầu tư xây dựng. Ảnh: An Long

Xây dựng kè hàng trăm tỉ đồng ngăn sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây

AN LONG LDO | 13/12/2021 15:00
Tình hình, diễn biến sạt lở tại bờ sông Vàm Cỏ Tây, đoạn qua TP.Tân An những năm qua vẫn xảy ra khá phức tạp. Tỉnh Long An sẽ tiếp tục đầu tư các dự án kè ở các đoạn, tuyến này.

Sạt lở nghiêm trọng

Đoạn sông Vàm Cỏ Tây chảy qua thành phố Tân An có chiều dài khoảng 13km qua hầu hết các xã, phường trong thành phố.

Tại nơi tiếp giáp với bờ sông mà chưa có công trình kè bờ kiên cố bảo vệ hầu hết đều xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Chẳng hạn như đoạn bờ sông Vàm Cỏ Tây đoạn qua xã Lợi Bình Nhơn các năm trước xảy ra nhiều vụ sạt lở làm hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi ra sông, gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân. Trong đó, chỉ riêng vụ sạt lở vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 27.5, đoạn qua xã Lợi Bình Nhơn đã làm nghiêng, đổ 8 ngôi nhà. Cũng may thời điểm trên gia đình bà Huỳnh Thị Chín (ngụ ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn) phát hiện phần đất phía sau nhà bắt đầu sạt lở nên tri hô. Nhờ vậy, những người trong xóm đang ngủ đã nhanh chóng vùng dậy chạy ra ngoài.

Trước tình trạng sạt lở ở nhiều đoạn dọc bờ sông Vàm Cỏ Tây, qua địa bàn TP.Tân An, người dân và chính quyền địa phương cũng tiến hành các biện pháp gia cố tạm thời để chống sạt lở tại một số điểm. Thế nhưng, tình hình sạt lở ở nhiều đoạn vẫn khá phức tạp, diễn ra nhanh.

“Thấy sạt lở, xói mòn xảy ra nhanh, người dân cũng rất lo lắng. Qua nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc với các cấp, các ngành từ TP. Tân An đến UBND tỉnh, người dân ở khu vực này thường xuyên kiến nghị sớm đầu tư công trình kè ở những đoạn sạt lở dọc sông Vàm Cỏ Tây, đoạn qua TP.Tân An” - bà Nguyễn Thị Phương - một người dân ở xã Hướng Thọ Phú - cho biết.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An Võ Kim Thuần cho biết: “Qua đánh giá, nguyên nhân gây sạt lở chủ yếu do lòng sông sâu, dòng chảy mạnh, độ sâu lòng sông biến đổi nhiều, có vị trí xói sâu lên đến 28m nên nguy cơ sạt lở rất lớn. Bên cạnh đó, điều kiện địa chất bờ sông yếu, chủ yếu là đất bùn, cường độ chịu lực kém, khi chịu tác động từ sóng vỗ của tàu thuyền đi lại và của dòng chảy gây ra xói lở, làm mất ổn định bờ sông”.

Theo Chủ tịch UBND TP. Tân An - Nguyễn Quang Thái, thời gian qua, một số đoạn đã được đầu tư thực hiện xây dựng kè chống sạt lở. Hiện tại vẫn đang có 2 dự án kè khác chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây đang thi công, đó là kè đoạn qua xã Lợi Bình Nhơn và kè tại khu vực Vịnh Đá Hàn (xã Hướng Thọ Phú). “Để ngăn sạt lở ở các đoạn tuyến khác, thời gian tới tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các bờ kè” - ông Nguyễn Quang Thái thông tin thêm.

Để người dân an cư

Gần đây, tỉnh Long An tiếp tục thông qua chủ trương đầu tư 4 dự án kè ở dọc bờ sông Vàm Cỏ Tây, đoạn qua TP.Tân An.  Kinh phí thực hiện các dự án này khá lớn, dự kiến từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Theo dự kiến đầu tư, dự án kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ chợ cá Phường 2 đến cầu mới Tân An), có tổng chiều dài 1.200m. Dự kiến dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2024, kinh phí 300 tỉ đồng. Còn dự án kè bảo vệ bờ trái sông Vàm Cỏ Tây (từ cầu mới Tân An đến tiếp giáp kè Vịnh Đá Hàn), thành phố Tân An” với chiều dài gần 1,3km. Dự kiến mức đầu tư ước hơn 190,4 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2022-2025.

Đối với dự án Kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây (từ cầu mới Tân An đến cống Rạch Chanh) dài hơn 5,6km thuộc xã Lợi Bình Nhơn và phường 6 thành phố Tân An (giáp Kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây, xã Lợi Bình Nhơn, thành phố Tân An) đã được đầu tư. Dự kiến dự án thực hiện trong giai đoạn 2022-2025, với kinh phí ước khoảng 821 tỉ đồng. Ngoài ra, dự án kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây dài hơn 1km, qua phường 3 (đoạn từ Trung tâm Bảo vệ sức khỏe đến kênh Vành đai), dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2022-2025, với kinh phí hơn 208 tỉ đồng.

Theo Sở NNPTNT Long An, các dự án kè chống sạt lở dọc sông Vàm Cỏ Tây, đoạn qua TP. Tân An khi được đầu tư sẽ góp phần ổn định cuộc sống người dân, an sinh xã hội và kinh tế khu vực; hoàn thiện cơ cấu kinh tế vùng, đặc biệt là quy hoạch và phát triển của địa bàn, hướng tới phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên tự nhiên và xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và mỹ quan, phát triển đô thị, khu vực, tạo môi trường xanh-sạch-đẹp cho người dân trong vùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn