MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường học hạnh phúc là nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục trong năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo. Ảnh: TL

Xây dựng trường học hạnh phúc: Để mục tiêu tốt đẹp không dừng ở khẩu hiệu

QUANG ĐẠI LDO | 19/10/2022 11:31

Xây dựng “Trường học hạnh phúc” được xác định là nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục. Nhưng giữa mục tiêu và thực tế còn có những khoảng cách không nhỏ, với quá nhiều lực cản, trở ngại.

Trường học hạnh phúc phải bắt nguồn từ đội ngũ nhà giáo. Đội ngũ nhà giáo giỏi chuyên môn, tâm huyết, gắn bó với nghề, yêu thương học sinh là điều kiện lý tưởng để xây dựng trường hạnh phúc.

Tuy nhiên hiện nay giáo viên vẫn ta thán về tình trạng lương chưa đủ sống và chưa có tích lũy. Thậm chí, hiện tượng “chạy” biên chế, “chạy” việc vẫn còn âm ỉ trong dư luận.

Giáo viên không thể hạnh phúc nếu như phải nộp tiền để vào biên chế, hàng năm lo bị biệt phái, luân chuyển, tinh giản biên chế…

Vấn nạn lạm dụng hồ sơ, sổ sách, bệnh hình thức, thành tích trong giáo dục đang là thực tế nhức nhối. Làm sao giáo viên có thể hạnh phúc khi còn phải đánh vật với hồ sơ sổ sách, sáng kiến kinh nghiệm… và rất nhiều cuộc thi: Thi giáo viên giỏi, thi tìm hiểu, thi sáng kiến kinh nghiệm, thi nâng hạng, thi chuyên đề… Nhiều hồ sơ, sổ sách, cuộc thi đã có quy định tinh giản, bãi bỏ… nhưng không ít hiệu trưởng vẫn duy trì vì bệnh thành tích, làm giáo viên thêm vất vả.

Không thể xây dựng trường học hạnh phúc nếu vẫn còn tình trạng lạm thu, tiêu cực trong các nhà trường. Mức học phí tăng cao, bất cập so với khả năng chi trả, tình trạng lạm dụng các loại quỹ dưới danh nghĩa tự nguyện, xã hội hóa không chỉ làm phụ huynh, học sinh mệt mỏi và ảnh hưởng đến cuộc sống, mà còn làm cho mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, học sinh và nhà trường bị ảnh hưởng tiêu cực.

Chương trình học tập quá nặng, thiên về lý thuyết, ít thực hành, trải nghiệm… cũng làm học sinh mệt mỏi, nặng nề, có thể dẫn đến phát triển lệch lạc về tinh thần và thể chất. Những chương trình chồng chéo, nhồi nhét có dấu hiệu vụ lợi và lạm dụng như giáo dục kĩ năng sống, tiếng Anh tăng cường, chương trình chất lượng cao… đang dần rút cạn thời gian (của học sinh) và tiền bạc (của bố mẹ).  

Bạo lực, lệch lạc trong ứng xử văn hóa học đường với rất nhiều hiện tượng phức tạp... cũng là lực cản lớn của mục tiêu “Trường học hạnh phúc”… Tình trạng thầy cô giáo đánh đập học sinh; học sinh đánh nhau dẫn đến thương tích thậm chí tử vong; học sinh vô lễ với giáo viên… đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, chất lượng giáo dục. 

Tóm lại, khi đề ra mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc, ngành giáo dục đã nhận thấy được khát vọng cháy bỏng, kỳ vọng lớn lao của xã hội về hạnh phúc, đặc biệt là đối với giáo dục.

Tuy nhiên, với rất nhiều khó khăn, trở ngại, thiết nghĩ ngành giáo dục trước hết cần kiên quyết xử lý, loại bỏ các lực cản của tiến trình xây dựng trường học hạnh phúc, trước hết là những lực cản có tính chất chủ quan, nội tại.

Nếu không làm được như thế, thì mục tiêu tốt đẹp của "Trường học hạnh phúc" chỉ dừng lại ở cấp độ... khẩu hiệu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn