MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe tải bị trôi vào lề và ngập nửa xe trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Duy Tuấn

Xe bị ngập nước trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có được bồi thường?

Nam Dương LDO | 31/07/2023 15:41

Sự việc mưa lớn kéo dài khiến một đoạn đường trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (địa phận huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) bị ngập nước, làm nhiều xe ôtô đang lưu thông bị chết máy đã đặt ra câu hỏi: ai sẽ phải bồi thường cho những chủ xe này?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam - cho biết, theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 1, Nghị định 25/2023/NĐ-CP về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 32/2014/NĐ-CP về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc” (có hiệu lực từ 15.7.2023), thì Công trình đường cao tốc gồm: Đường cao tốc; hệ thống thoát nước; công trình báo hiệu đường bộ; Trung tâm quản lý, điều hành giao thông; trạm dừng nghỉ; trạm thu phí; hệ thống kiểm tra tải trọng xe; trạm bảo trì; công trình chiếu sáng; cây xanh; công trình phục vụ phòng cháy, chữa cháy; hệ thống thông tin phục vụ quản lý và liên lạc; các công trình, thiết bị phụ trợ khác phục vụ quản lý, khai thác sử dụng và bảo trì đường cao tốc.

Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, bất cứ người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ các trường hợp được pháp luật quy định.

Tại Khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Sự kiện bất khả kháng bao gồm các sự kiện khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục mặc dù đã dùng mọi biện pháp cần thiết, các trường hợp như động đất, lũ lụt cũng có thể được xếp vào sự kiện bất khả kháng.

Các phương tiện đứng chờ nước rút trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Duy Tuấn

Trong vụ việc nước ngập trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khiến nhiều xe chết máy vừa qua, Đoàn công tác do Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận đã có mặt tại hiện trường kiểm tra và ghi nhận nguyên nhân là do cống thoát nước nằm ở vị trí thấp, không kịp thoát nước sau trận mưa lớn kéo dài trên địa bàn, đồng thời địa hình trũng và hệ thống rãnh dọc hai bên cũng góp phần gom nước về khu vực xảy ra ngập.

Như vậy, có thể thấy nguyên nhân theo xác định ban đầu không phải là do sự kiện bất khả kháng như thiên tai hay mưa lũ quá nhiều dẫn đến ngập mà do thiết kế công trình đã không đảm bảo được khả năng thoát nước nên mới dẫn đến hậu quả khiến cho đoạn đường cao tốc ngập dài 100m, vị trí sâu nhất cao đến 1m.

Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định cụ thể tại Điều 44 như sau: Công trình xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, trong đó có người đi bộ và người khuyết tật. Đồng thời, công trình đường bộ phải được thẩm định về an toàn giao thông khi lập dự án, thiết kế, thi công, trước và trong quá trình khai thác.

Do đó, việc để cho đoạn đường cao tốc bị ngập sâu khi trải qua trận mưa lớn là do trách nhiệm của các bên thi công và chủ đầu tư đã có sai sót trong quá trình thi công, thẩm định dự án.

Tùy theo kết quả xác minh của cơ quan chức năng, lỗi thuộc về đơn vị nào thì đơn vị đó sẽ có trách nhiệm bồi thường cho những người có xe bị hư hỏng do đi qua đoạn đường cao tốc bị ngập nước. Những người bị thiệt hại có thể yêu cầu được bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, gồm các mức thiệt hại được quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015:

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

Xe ôtô bị ngập nước trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị hỏng phải dùng xe cẩu để cẩu. Ảnh: Duy Tuấn

Người có yêu cầu bồi thường cần phải chuẩn bị các hóa đơn, chứng từ, biên bản kiểm tra hư hỏng của xe để chứng minh thiệt hại thực tế để yêu cầu bên có lỗi bồi thường. Trong trường hợp bên có lỗi không đồng ý bồi thường thiệt hại thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân yêu cầu bồi thường thiệt hại, thời hiệu khởi kiện là 3 năm kể từ ngày người yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn