MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp vận hành ứng dụng tăng cước nói là bù đắp cho tài xế, nhưng tài xế xe công nghệ chỉ được hưởng 70% khoản cước tăng. Ảnh minh họa: Thế Lâm

Xe công nghệ tăng cước: Hệ lụy từ vị thế “độc quyền ngược”

Thế Lâm LDO | 20/03/2022 07:02

Với việc tăng cước gần đây của một số ứng dụng gọi xe công nghệ, giới tài xế không được bù đắp hoàn toàn khoản sụt giảm thu nhập do giá xăng leo thang, trong khi người tiêu dùng phải gánh thêm khoản tăng cước vô lý.

Khoản tăng cước vô lý đó chính là tỉ lệ chiết khấu trên dưới 30% mà giới tài xế xe công nghệ phải trả cho phía các ứng dụng.

Đơn cử, nếu mức cước tăng thêm 1.000 đồng/km, thì cứ mỗi 1km, người tiêu dùng phải thêm gánh nặng tăng cước 1.000 đồng. Nhưng trên thực tế, tài xế có thêm nhiều nhất chỉ 700 đồng hoặc thậm chí thấp hơn, bởi phía ứng dụng cũng đồng thời được hưởng ít nhất 300 đồng trong số tiền tăng cước.

Việc tăng cước để bù đắp cho tài xế có thể chấp nhận được. Song trên thực tế, phía ứng dụng không phải là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc giá xăng tăng, chính là điều bất hợp lý.

Tuy nhiên, cho dù bất hợp lý nhưng một số ứng dụng vẫn quyết định tăng cước để có thêm thu nhập trong lúc cả tài xế và người tiêu dùng đang gặp khó khăn vì vật giá tăng cao.

Có thể thấy, một số ứng dụng gọi xe tăng cước bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng chính vì vị thế “độc quyền ngược”.

Vị thế “độc quyền ngược” được lý giải như sau: Trước năm 2014 khi chưa có dịch vụ xe công nghệ tại thị trường Việt Nam, taxi và xe ôm truyền thống chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường.

Từ sau năm 2014, xe công nghệ (gồm taxi và xe ôm công nghệ) dần dần giành lấy thị phần. Cho tới khoảng năm 2018, xe công nghệ đã chiếm đa phần thị phần dịch vụ xe ôm và taxi. Và từ đó tới nay, xe ôm và taxi truyền thống trở thành bên yếu thế. Hay nói chính xác hơn, dịch vụ xe công nghệ thống lĩnh thị trường, đang chiếm vị thế “độc quyền ngược”.

Trên thực tế, người tiêu dùng ngày nay nói chung phụ thuộc không ít vào xe công nghệ với các dịch vụ như chở khách, giao hàng, gọi đồ ăn, đi chợ hộ… Trong đó, riêng các dịch vụ như chở khách, gọi đồ ăn thì xe công nghệ gần như chiếm lĩnh hoàn toàn những phân khúc thị trường này.

Chính vì thế, khi các ứng dụng đặt xe/gọi đồ ăn tiến hành tăng cước, hệ lụy ngay lập tức tác động rộng rãi đến người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng không sử dụng dịch vụ thì cũng không có nhiều phương án lựa chọn khác.

Xe công nghệ mang lại nhiều lựa chọn mới và tiện ích mới trên thị trường cho người tiêu dùng. Song ngược lại, dịch vụ xe công nghệ một khi mạnh lên, rồi trở nên quá mạnh, thậm chí thống lĩnh thị trường ở nhiều phân khúc dịch vụ khiến người tiêu dùng ngày càng phụ thuộc sâu, thì hệ lụy xảy ra với người tiêu dùng càng lớn…

Các dấu hiệu về hệ lụy từ vị thế “độc quyền ngược” của xe công nghệ trong vài năm trở lại đây càng ngày càng rõ nét hơn. Và người tiêu dùng đã không ít lần cảm thấy quyền lợi bị ảnh hưởng từ những động thái mới của các ứng dụng đặt xe, như tăng cước hay thu thêm các loại phụ phí…

Điển hình trong số đó là đợt tăng cước mới đây của một số ứng dụng đã gây bức xúc cho dư luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn