MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe máy đi ngược chiều gây cản trở giao thông. Ảnh: Cẩm Tú

Xe máy liều lĩnh đi ngược chiều trên khu vực cầu vượt sông Đáy

CẨM TÚ LDO | 19/03/2024 09:45

Hàng ngày, nhất là vào khung giờ cao điểm, từng đoàn xe máy nối đuôi nhau luồn lách, đi ngược chiều bất chấp nguy hiểm trên khu vực cầu vượt sông Đáy thuộc địa phận huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

Theo ghi nhận của PV Lao Động, để tiết kiệm thời gian, nhiều người điều khiển xe máy đi ngược chiều một cách liều lĩnh trên Đại lộ Thăng Long, đặc biệt là đoạn đường cầu vượt sông Đáy (Quốc Oai, Hà Nội).

Tình trạng này diễn ra nghiêm trọng hơn vào các khung giờ cao điểm trong ngày. Những chiếc xe máy lũ lượt, nối đuôi nhau trải dài khắp tuyến đường, gây mất an toàn giao thông đường bộ. Nguy hiểm hơn, nhiều phương tiện tham gia giao thông bằng xe máy sẵn sàng tạt đầu ôtô phía chiều ngược lại để băng qua bên kia đường.

Để rút ngắn một đoạn đường, người tham gia giao thông sẵn sàng đi ngược chiều, đặt bản thân và các phương tiện giao thông khác vào tình thế nguy hiểm. Ảnh: Cẩm Tú

Là người dân sinh sống gần khu vực này, bà Nguyễn Thị Lan (Quốc Oai, Hà Nội) bức xúc khi đã chứng kiến tình trạng xe máy đi ngược chiều trong thời gian dài.

Theo bà Lan, nguyên nhân là do người tham gia giao thông không muốn phải đi đường vòng và lựa chọn phương án đi ngược chiều để đỡ mất thời gian. Đó cũng chính là lí do khiến nhiều vụ va chạm giao thông xảy ra tại Đại Lộ Thăng Long đoạn qua cầu vượt sông Đáy.

Tuyến đường được lưu thông với tốc độ cao, người dân vẫn bất chấp nguy hiểm điều khiển xe máy ngược chiều. Ảnh: Cẩm Tú

“Để ngăn chặn tình trạng xe gắn máy đi ngược chiều trên Đại lộ Thăng Long, các cơ quan chức năng cần phải rà soát kỹ lưỡng, xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhiều người xung quanh địa bàn để kịp thời tránh được những vấn đề rủi ro” - bà Lan đề nghị.

Còn chị Phí Thị Hòa (Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ: Các khung giờ cao điểm, việc đi ngược chiều có thể gây cản trở cho người đang tham gia giao thông.

Tuyến đường được lưu thông với tốc độ cao, người dân vẫn bất chấp nguy hiểm điều khiển xe máy ngược chiều. Ảnh: Cẩm Tú

"Khi có phương tiện khác bất ngờ xuất hiện trên đường một chiều, lái xe rất khó xử lý và phản ứng với tình huống bất ngờ xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông" - chị Hòa nói.

Luật gia Nguyễn Thị Thúy (Công ty Luật TNHH YouMe) cho biết: Khoản 5, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định số 100/2019/NĐ-CP) được sửa đổi bổ sung bởi Điểm c Khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Theo đó, đi xe máy vào đường ngược chiều có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, người dân không thể tiến hành các hoạt động lái xe đã ghi trong giấy phép.

Đại lộ Thăng Long là tuyến đường thuộc cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên nối trung tâm Hà Nội với Quốc lộ 21A cũ. Chiều dài là 30km, nằm gọn trong địa giới Thành phố Hà Nội.

Trung tá Bùi Xuân Phương, Đội phó Đội CSGT đường bộ số 11 cho biết: Từ đầu năm đến nay, Đội đã xử lý 198 trường hợp xe máy đi ngược chiều, đi vào đường cao tốc trên Đại lộ Thăng Long. Trong thời gian tới, Đội sẽ phối hợp với công an các địa phương trên tuyến để tuyên truyền, tăng cường xử lý các phương tiện vi phạm để đảm bảo an toàn giao thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn