MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường hợp xe máy di chuyển vào tuyến đường dành cho ô tô, tiềm ẩn nguy hiểm. Ảnh: Nhật Minh

Xe máy, xe ba gác vẫn liều lĩnh đi vào đường dành cho ô tô

Nhật Minh LDO | 31/10/2023 18:45

Tại Hà Nội, hàng loạt xe máy, xe ba gác bất chấp nguy hiểm di chuyển lên đường Vành đai 2, Vành đai 3 trên cao, dù lực lượng chức năng đã liên tục ra quân xử lý tình trạng này.

Tuyến Vành đai 2 trên cao là tuyến đường có điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Công trình này dành cho các loại ô tô và được phép di chuyển với vận tốc lên tới 80 km/h. Các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ và người đi bộ bị cấm lưu thông trên tuyến đường này, những biển cấm đều được lắp đặt tại lối lên cầu.

Song ghi nhận trong ngày 31.10 cho thấy, xe máy, xe ba gác vẫn ngang nhiên di chuyển lên tuyến đường này. Chủ phương tiện dù đã thấy biển báo nhưng vẫn bất chấp đi lên cầu để tránh ùn tắc, không phải chờ đèn đỏ.

Ngoài xe gắn máy, có nhiều xe ba gác, xe chở hàng hóa cồng kềnh cũng đi vào phần đường bị cấm, điều này gây mất an toàn giao thông.

Xe chở hàng hoá cồng kềnh có thể gây cản trở các phương tiện ô tô lưu thông tại đây. Ảnh: Nhật Minh

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại đường Vành đai 3 trên cao (đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Thăng Long). Đây là tuyến đường được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, tuyến đường này cấm các loại xe hai bánh, người đi bộ.

Thế nhưng, tại nút giao Mai Dịch, PV Lao Động bắt gặp nhiều trường hợp xe máy đi với tốc độ cao, luồn lách qua các ô tô lớn tại đây. Nhiều xe ôm công nghệ cũng di chuyển vào đường này để tiết kiệm thời gian, bất chấp nguy hiểm.

Không những vậy, các xe ba gác có tình trạng lấn chiếm làn dành đường khẩn cấp để di chuyển nhanh chóng hơn.

Xe ba gác lấn chiếm phần đường khẩn cấp. Ảnh: Nhật Minh

Anh Hoàng Văn Khánh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng nhiều lần giật mình khi bắt gặp xe máy di chuyển lên đường Vành đai 2 trên cao. "Khi các xe ô tô đang lưu thông với tốc độ 70-80 km/h thì bất ngờ bắt gặp xe máy đi bên cạnh. Những tình huống như vậy vô cùng nguy hiểm" - anh Khánh cho biết.

Để ngăn chặn hành vi vi phạm nguy hiểm của nhiều chủ phương tiện khi điều khiển xe môtô, xe gắn máy đi lên đường Vành đai 2, các Tổ Cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc đội CSGT số 3 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) thời gian qua đã liên tục tuyên truyền đến người dân và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Tuy nhiên, quá trình xử lý của lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng chức năng khuyến cáo, người dân cần chấp hành nghiêm quy định, tuyệt đối không điều khiển xe môtô, xe gắn máy đi lên tuyến Vành đai 2 trên cao. Trong thời tới, lực lượng CSGT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, xe máy bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng với lỗi đi vào đường cấm, khu vực có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển.

Ngoài ra, chủ phương tiện vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng (Theo điểm i khoản 3 và điểm b khoản 10 Điều 6).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn