MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều diện tích đất đồi tại huyện Hoà An (Cao Bằng) đang bị cày xới, san gạt nghiêm trọng. Ảnh: Tân Văn.

Xẻ núi, bạt đồi dựng nhà xưởng ngay bên đường Quốc lộ

Nhóm PV LDO | 08/09/2023 16:10

Ngay bên Quốc lộ 3, nhiều quả đồi tại Cao Bằng bị san gạt nham nhở - để làm nơi dựng nhà xưởng, phơi ván gỗ. Sự việc kéo dài nhiều năm qua.

Những quả đồi bị "xẻ thịt"

Ghi nhận của PV Báo Lao Động, những ngày đầu tháng 9.2023, tại khu vực Quốc lộ 3 (QL3), đoạn qua xóm Nà Roác 2, xã Bạch Đằng, huyện Hoà An, một diện tích lớn của các quả đồi đã bị băm xẻ ngang dọc, các nhà xưởng cũng được dựng lên.

Tại đây, hàng trăm mét khối đất đồi bị san gạt, cào bới tạo độ dốc thoải, thậm chí có những điểm nền đất được hạ thấp rất nhiều so với mặt đường.

Hạ nền rất thấp so với mặt đường QL3. Ảnh: Tân Văn.

Theo tìm hiểu của PV, những mảnh đất này được cho là của 2 chủ thể. Một khu thuộc sở hữu của Hợp tác xã (HTX) Hồng Tâm (đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo UBND Bạch Đằng), khu còn lại thuộc sở hữu của một hộ gia đình với tên chủ sở hữu Hoàng Thị Thê.

Tại khu đất đều có nhà xưởng được dựng lên, hàng rào cứng, xây bằng gạch, xi măng. Phần lớn diện tích còn lại dùng vào việc phơi ván gỗ hoặc để không.

Đáng nói, hiện tượng san gạt này diễn ra từ khoảng những năm 2020 - 2021 (theo đại diện UBND xã Bạch Đằng) và sát bên con đường QL3, qua địa phận huyện Hoà An. Tuyến đường này là một trong những trục chính kết nối Cao Bằng với các tỉnh thành Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội.

3 cấp quản lý không làm rõ được thông tin

Ông Trần Công Hoan - Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, huyện Hoà An thông tin đến PV Báo Lao Động, những khu đất này được san gạt từ khoảng những năm 2021 - 2022 trước khi ông về nhận công tác.

"Vào thời điểm tôi về nhận công tác, tại các khu đất do hộ bà Hoàng Thị Thê tự ý san gạt, đoàn kiểm tra của xã đã ra quyết định xử phạt hành chính 5 triệu đồng.

Những xưởng chế biến gỗ và nơi tập kết phơi ván gỗ trên các diện tích đất đã san gạt. Ảnh: Tân Văn.

Còn về phần nhà xưởng đang chế biến gỗ thuộc HTX Hồng Tâm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó đến nay những diện tích này để nham nhở, không có động thái khắc phục nào.

Cũng theo ông Hoan, nguồn gốc đất hộ bà Thê vẫn đang chờ các cơ quan chức năng cấp tỉnh làm rõ. Trước kia diện tích này thuộc quản lý của Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng (Vinafor) nhưng nay phía doanh nghiệp nói đã bàn giao cho các hộ dân nên không còn trách nhiệm.

Ngay cả cơ quan kiểm lâm cũng không khẳng định được nguồn gốc cũng như hiện trạng chính xác của những khu đất này.

"Phía gia đình bà Thê nói, họ đang chuẩn bị các thủ tục để xin phép các cơ quan cấp tỉnh cấp quyền sử dụng liên quan diện tích này" - ông Trần Công Hoan nói.

Theo tìm hiểu, tất cả diện tích đất đồi tại khu vực kể trên sau khi Vinafor giao cho các hộ dân theo hình thức "giao đất, giao rừng" thì hộ gia đình bà Hoàng Thị Thê đã đứng ra mua gom rồi tiến hành san gạt.

Những quả đồi bị san gạt khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Tân Văn.

Diện tích hiện tại của HTX Hồng Tâm đang hoạt động sản xuất, thu mua củi, gỗ keo... cũng là mua lại từ bà Hoàng Thị Thê.

Trao đổi với PV, ông Đinh Quang Vũ - Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Hoà An chia sẻ: "Đối với khu phân xưởng chế biến gỗ (HTX Hồng Tâm), khi cán bộ địa bàn kiểm tra đơn vị này chỉ nói miệng với kiểm lâm rằng đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những diện tích còn lại, thời điểm đến kiểm tra thì chủ đất vắng mặt".

Làm nơi phơi ván gỗ. Ảnh: Tân Văn.

Cũng theo ông Vũ, việc san gạt những quả đồi này không tác động vào lâm nghiệp, cây cối nên đơn vị chưa có căn cứ xác minh, xử lý.

PV tiếp tục làm việc với ông Lục Minh Thuận - Phó Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hoà An thì ông Thuận cho hay, theo quy định về việc phát ngôn của địa phương nên vị Phó phòng này không thể phát ngôn khi chưa có sự chỉ đạo từ cấp trên.

Luật sư Trần Đại Lâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định những hành vi như lấn, chiếm, hủy hoại đất đai bị nghiêm cấm tuyệt đối.

Theo đó, việc tự ý san gạt đất đồi núi chưa sử dụng xây dựng nhà tạm được xem là hành vi lấn, chiếm, huỷ hoại đất bị nghiêm cấm.

Như vậy, gia đình bà Thê vẫn chưa hoàn thành thủ tục giao đất theo đúng quy định của pháp luật hiện hành quy định, mà đã tự ý sử dụng tự ý san gạt. Hành vi này của chủ thể Hoàng Thị Thê là lấn, chiếm, hủy hoại đất.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 38 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng có quyền hành chính với số tiền đến 5 triệu đồng. Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất (nếu có). Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn