MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm thu phí Mỹ Lộc-Nam Định (ảnh minh họa)

“Xé rào” mệnh lệnh của Thủ tướng

Huy Bình LDO | 08/06/2016 17:47
Với mục tiêu ngăn lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vận tải cùng người dân, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều thông tin chỉ đạo về việc không tăng phí BOT trên các tuyến đường

“Mạnh tay” hơn nữa với vấn đề này, tại Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ mới ký ban hành ngày 16.5.2016 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT đồng thời đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp DN giảm chi phí, đặc biệt là DN kinh doanh dịch vụ vận tải. Việc này là một trong những giải pháp để gỡ khó cho người dân cũng như DN trong quá trình thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020 đồng thời nhằm kiểm soát vấn đề lạm phát. 

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra trong ngày 1.6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa yêu cầu“không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016, không thành lập Quỹ bình ổn giá điện và không tăng phí BOT”. Đồng thời Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải sớm tổng kết và báo cáo Thủ tướng về vấn đề tổng vốn đầu tư, kiểm soát số lượng xe, thời gian hoàn vốn ở các dự án BOT, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.  

Trong lúc yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ vừa mới ban hành thì cũng ngay trong ngày 1.6, trạm thu phí BOT Mỹ Lộc - Nam Định của Cty cổ phần Tasco đã tăng phí đối với 3 loại phương tiện lưu thông qua trạm. 

Cụ thể, xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng tăng phí 50%. Loại xe từ 12 - 30 chỗ ngồi; xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn tăng giá 30%. Và xe từ 31 chỗ ngồi trở lên; xe có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn tăng từ mức 44.000 lên 50.000 đồng/vé/lượt.

Việc tăng phí BOT nêu trên đã khiến dư luận bất bình và phản ứng gay gắt bởi đó là việc làm trái với những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ đối với vấn đề này. Vậy nhưng Chủ tịch HĐQT Cty Tasco, chủ đầu tư trạm BOT Mỹ Lộc - Nam Định - là ông Phạm Quang Dũng khi trả lời báo chí về vấn đề tăng phí BOT đã cho rằng: Việc tăng phí đã có lộ trình từ năm 2015 và đều có kế hoạch trong hợp đồng với Nhà nước, có Bộ Tài chính thẩm định cũng như cho phép chứ "không tự nhiên mà tăng được". 

Để khẳng định cho việc làm của mình là không sai, lãnh đạo của Tasco còn cho rằng liên quan tới các hợp đồng BOT, giữa DN với Nhà nước về tư cách pháp nhân là ngang nhau nên việc Nhà nước dùng quyền hành chính để áp đặt DN là khó, vì việc tăng phí đều có trong lộ trình BOT và có tất cả các bộ ngành tham mưu. Đại diện truyền thông của Tasco còn đưa ra lý lẽ rằng: Việc tăng phí này lẽ ra phải được thực hiện từ ngày 1.1.2016 nhưng DN đã kéo dài tới ngày 1.6 mới tăng, nên Tasco cho rằng mình nằm ngoài danh sách không tăng phí.

Cách bao biện nêu trên cho dù có được lập luận theo cách nào thì đó vẫn là việc “xé rào” đối với yêu cầu không tăng phí BOT của Thủ tướng Chính phủ. 

Trước thông tin trạm BOT Mỹ Lộc tăng phí, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Văn phòng Chính phủ đã ra công văn số 4388/VPCP-KTTH gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Nam Định. Theo đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, làm rõ thông tin nêu trên, phối hợp với đơn vị liên quan xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trước ngày 8.6.2016. 

Sự cương quyết nêu trên là việc làm cần thiết, bởi một DN “xé rào” coi thường chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ là "mầm mống" để hàng loạt những hành vi “lách luật” khác nảy sinh. 

Được biết, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5.2016, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: “...Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính cũng như hoạt động thanh tra công vụ...”. 

Hành vi “xé rào” nêu trên của Tasco liệu có được xử lý nghiêm ? Bởi nếu không sẽ còn có những DN khác học Tasco “xé rào” đối với mệnh lệnh của Chính phủ. 


 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn