MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xem bói online bị xử phạt như thế nào?

Bảo Hân LDO | 10/02/2023 10:58

Tình trạng “loạn” xem bói, trong đó có xem bói online được được báo chí, dư luận quan tâm nhiều trong thời gian gần đây - nhất là sau khi clip bói toán “đúng nhận sai cãi” của một “cô đồng” tại Hải Dương lan truyền trên mạng. 

Nhiều trang xem bói xuất hiện trên mạng Facebook. Ảnh chụp màn hình
Theo Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe Vũ Thuỳ Trang (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), hiện nay, pháp luật không có quy định về khái niệm mê tín dị đoan, tuy nhiên theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 thì “Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác” nên có thể xác định bói toán, đồng bóng là một trong các hình thức mê tín dị đoan. 

Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định mức xử phạt đối với các hành vi mê tín dị đoan như sau:

- Hành vi tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội có thể bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000đồng.

- Hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan có thể bị xử phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và người vi phạm buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được từ hoạt động mê tín dị đoan. 

Mức phạt trên đây áp dụng với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức vi phạm gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân (Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP)

Điều 320 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội hành nghề mê tín dị đoan như sau:

1.Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định như sau: 

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi;

b) Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.

Khoản 7, Khoản 8 Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định như sau:

7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức lễ hội theo quy định phải đăng ký mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa;

c) Thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam;

d) Không tạm dừng tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 3, điểm a khoản 4 và điểm d khoản 7 Điều này;

b) Buộc hoàn lại số tiền có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 5 Điều này.

Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định như sau:

3. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn