MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo vùng cao ngã trên đường đến trường. Ảnh: Vietnamnet

Xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, xin hãy nhìn về thầy cô vùng cao!

THANH NGUYỄN LDO | 22/09/2017 07:00
“Cõng chữ lên non” – hành trình gieo chữ trên các bản làng tận non cao xa xôi kia sao lắm gian truân, nhọc nhằn đến thế. Và tôi mong mỏi lắm thay, mỗi kỳ xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” sẽ hướng nhiều hơn về những thầy cô giáo vùng cao. Họ là những người lính thật sự trên mặt trận giáo dục!

Hành trình ấy đâu chỉ đơn giản là trèo đèo lội suối lên công tác tận các vùng miền hẻo lánh. Đó còn là một cuộc chiến thật sự giữa con người bé nhỏ với muôn vàn khó khăn của địa hình, địa thế dốc, trơn, ngoằn ngoèo, bùn đất lầy lội…

Chiếc xe máy ngã sõng soài, bùn đất bám dính hai bánh xe hay đầu xe sụp hố trên chiếc cầu gỗ chắp vá… quả là những hình ảnh làm chúng ta rùng mình khi nghĩ về những “tai nạn” bất thình lình trên con đường xa tít tắp kia. Và chủ nhân của những “con ngựa sắt” ấy hẳn đã đổ bao mồ hôi và cả nước mắt trên bước đường chông gai.

Đường đi quá khó, nhưng họ vẫn đi, mãi đi đầy tự hào. Phải có một tinh thần thép đã được tôi luyện từ trong gian khó mới có thể vượt gian khổ, hiểm nguy như thế!

Đất nước ta còn lắm khó khăn, nhiều điểm trường ở tận nơi heo hút thiếu thốn trăm bề. Thậm chí còn chưa có ánh điện, có nước sạch, càng không dám mơ tưởng đến sóng điện thoại. Vậy mà rất nhiều thầy cô kiên cường bám trụ, ngày ngày lên lớp dạy chữ, dạy người.

Mỗi mùa lũ đi qua là một trận cuồng phong cuốn phăng trường lớp. Những lớp học vốn thiếu thốn trăm bề giờ lại càng xiêu vẹo hơn. Bục giảng đâu chỉ bám đầy bụi phấn mà còn là lớp lớp bùn đất. Tựu trường với nhiều người là hình ảnh mặc áo quần đẹp, tươi cười đến trường chuyện trò với đồng nghiệp, hỏi han học sinh. Riêng các thầy cô cắm bản lại là hành trình vượt suối, trèo đèo, lội bùn, kéo xe… và nỗi lo vận động các em đến lớp.

Tôi từng lắng nghe tâm sự của nhiều cô giáo vùng cao, vùng xa và nghẹn lòng với nỗi nhớ gia đình của các chị. Con thơ bé phải gửi lại cho người thân, còn mình bôn ba lên rẻo cao dạy học. Nỗi nhớ con cồn cào gan ruột, đường thì xa vạn dặm, sóng điện thoại lúc mạnh lúc yếu… Các chị đã đặt nhiệm vụ dạy học cao cả lên trên hạnh phúc cá nhân bé nhỏ. Đức hy sinh của người thầy thật đáng ngợi ca!

Tình yêu nghề, yêu học trò được đổi lại là niềm vui lúc trò đọc được chữ, làm được bài toán, là lúc trò đến lớp đều đặn, là lúc cô trò thở phào nhẹ nhõm kéo chiếc xe máy qua được vũng bùn lầy, là lúc thầy trò cùng tăng gia sản xuất nuôi lợn gà, trồng rau dưa... Đơn giản vậy thôi nhưng đủ ấm lòng! Và cả sự chân chất, mộc mạc, trân quý của người bản địa hẳn đã góp phần níu chân những người đưa đò thầm lặng ấy.

Và đó chính là nhà giáo của nhân dân, vì nhân dân!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn