MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ công nhân xin việc sau Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Minh Hương.

Xin 3 nơi, nữ công nhân mới tìm được việc ở công ty không tăng ca

Minh Hương LDO | 25/02/2024 19:47

Tại bảng tin tuyển dụng gần Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội, nhiều công ty có nhu cầu tuyển dụng từ sau Tết Nguyên đán 2024. Người lao động từ nhiều tỉnh, thành đến đây xin việc, song chưa chắc được nhận ngay dù đã làm công nhân trước đó.

Quê ở Hoà Bình, cô gái trẻ Bùi Thị Thoa một thân một mình làm công nhân ở khu công nghiệp Thăng Long được 3 năm. Tốt nghiệp xong THPT, Thoa không chọn học nghề hay thi tiếp lên đại học vì cô hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình còn thiếu thốn.

Được người quen giới thiệu, Thoa xin vào công ty linh kiện điện tử làm việc từ năm 2021 đến sau Tết 2024. "Ở công ty cũ, thu nhập hàng tháng chỉ đủ cho tôi chi tiêu tằn tiện. Tôi phải tìm công việc khác tốt hơn" - Thoa nói.

Nữ công nhân sinh năm 1999 cho biết, ở công ty cũ, lương cơ bản 5,3 triệu đồng/tháng, tính thêm các loại phụ cấp khoảng 600.000 đồng. Nếu không làm thêm, tiền lương hàng tháng chẳng được là bao.

Từ 15.2 (mùng 5 Tết), Thoa đã trở lại phòng trọ để tập trung tìm việc. Tiêu chí chọn việc được nữ công nhân đưa ra là: công ty được tăng ca, nếu không tăng ca thì phụ cấp, trợ cấp cao hơn nơi cũ; được hỗ trợ bữa ăn ca; làm ca 1, ca 2...

Lần tìm thông tin trên bảng tuyển dụng, lần đầu tiên, chị Thoa đăng ký tuyển dụng vào một công ty chuyên về thiết kế, sản xuất và cung cấp dây dẫn nguồn. Công ty này đưa ra yêu cầu tuyển dụng nam, nữ từ 18-45 tuổi, tốt nghiệp cấp 2 trở lên, không cận thị, thuận tay phải, chăm chỉ... Nhận thấy bản thân có thể đáp ứng yêu cầu mà nhà tuyển dụng đưa ra, Thoa khá tự tin.

Chỉ 1 ngày sau khi nộp hồ sơ, chị được công ty liên hệ phỏng vấn. "Quá trình tuyển dụng khá thuận lợi, những câu hỏi tôi trả lời được gần hết. Chỉ có một vài bài test về kĩ năng tôi còn hơi chậm" - Thoa nói. Sau đó, không thấy công ty liên hệ lại, nữ công nhân sinh năm 1999 hiểu, mình không được nhận.

Tiếp tục đi xin việc, Thoa ứng tuyển vào một công ty về lĩnh vực điện tử, lương cơ bản 5.580.000 đồng/tháng, các khoản trợ cấp khác khoảng 1 triệu đồng. Ưng ý với thu nhập công ty đưa ra, cô gái trẻ liền nộp hồ sơ.

Đến ngày hôm sau, chị Thoa có mặt sớm hơn giờ hẹn, có khoảng 7 công nhân khác cùng chờ phỏng vấn. Kể lại quá trình đi sâu vào bên trong nhà máy, chị Thoa cho biết, công ty khá nóng và ồn, có mùi nhựa.

"Quá trình hỏi - đáp diễn ra suôn sẻ, tôi được báo trúng tuyển và đi làm sau vài hôm. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tôi từ chối công ty vì cảm thấy môi trường làm việc không phù hợp với sức khoẻ của bản thân" - Thoa cho hay.

Tới lần ứng tuyển thứ 3, chị Thoa xin vào công ty của Nhật Bản với mức lương cơ bản từ 5,585 triệu đồng - 5,963 triệu đồng/tháng, được xem xét tăng lương vào đầu năm hoặc sau 1 năm làm việc. Công nhân được hưởng trợ cấp công việc bằng 5% lương cơ bản, thâm niên từ 3-15% lương cơ bản, đi lại, chuyên cần, nhà ở....

Trong quá trình phỏng vấn, công ty cho biết công nhân sẽ không thường xuyên được tăng ca. Ở đây chủ yếu làm giờ hành chính, tính lương cơ bản cộng phụ cấp khoảng 7-7,5 triệu đồng/tháng. "Tôi thấy công ty này phù hợp với yêu cầu của bản thân. May mắn tôi đã được tuyển dụng" - nữ công nhân nói.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, với trường hợp người lao động bị mất việc kéo dài hoặc thu nhập bị sụt giảm, khi tìm kiếm một công việc mới, họ cần lưu ý các yếu tố: Vị trí việc làm tại doanh nghiệp mới như thế nào? Công việc mới có đảm bảo được chế độ, quyền lợi không? Tính chất công việc xoay quanh vị trí việc làm đó ra sao?

"Vì chỉ khi tìm được một vị trí phù hợp, người lao động mới có thể làm tốt phần công việc mà họ đảm nhận, tạo ra giá trị tuyệt đối cho doanh nghiệp" - ông Thành nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn