MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh trên mạng xã hội với nội dung cho rằng học sinh tính đúng, giáo viên chấm sai. Ảnh: Duy Nghĩa

Xin đừng đưa giáo viên ra giễu cợt

PHAN DUY NGHĨA (ĐỨC THỌ, HÀ TĨNH) LDO | 06/06/2020 06:31

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội đăng nhiều bài viết với nội dung học sinh làm bài đúng nhưng giáo viên lại chấm sai, gây nên nhiều cuộc tranh cãi gay gắt làm cho học sinh, phụ huynh lo lắng và hoang mang.

Mạng xã hội đang lên cơn sốt với nội dung “Phép tính 8 - 3 + 3=2”, được cho là đáp án của một giáo viên tiểu học. Lời bình luận của bài viết: “Được một trang cộng đồng đăng tải về phép tính đơn giản: "8 – 3 + 3 = ?" của bậc tiểu học, tuy nhiên, đáp án và lời phê của cô giáo đã khiến cho mọi người hết sức bất ngờ. "Con chưa hiểu bài" cùng lời giải bằng 2 chính là nguyên nhân đưa tới sự tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội Facebook”.

Mới đây, một bài toán tính nhanh trên mạng đã gây tranh cãi về tính đúng sai. Đề bài ra với dãy: 66 - 6 + 7 + 23 - 18 + 2. Học trò thực hiện quy tắc tính toán từ trái qua phải và cho ra kết quả là 74. Tuy nhiên, cô giáo lại đưa ra đáp án khác và trừ ngay điểm học sinh. Lý giải điều này, giáo viên chỉ ra cách tính đúng bằng cách gộp các số đưa ra kết quả chẵn”.

Bài toán lớp 4 tính nhanh "5470 : 45 – 5470 : 35" khiến phụ huynh và giáo viên thi nhau tranh cãi, 90% kết quả sai vì mắc lỗi toán học sơ đẳng:

Lời bình luận của bài viết: “Mới đây, một bài toán tiểu học lớp 4 sau khi được đăng tải đã khiến cả phụ huynh và giáo viên nghĩ nát óc không ra. Người viết L.H.H chia sẻ: "Thầy cô giúp bài này với... Tính thuận tiện phép tính 5470 : 45 - 5470 : 35". Nhiều người đã nhanh nhảu tính nhanh ra đáp án 547 nhưng hóa ra kết quả lại sai hoàn toàn”.

Nếu những ví dụ trên đây là có thực thì thật đáng buồn và đáng trách cho những giáo viên đó. Và việc nêu lên những sự việc như vậy sẽ có tác dụng trong việc đánh giá năng lực giáo viên, giúp giáo viên nhận ra những hạn chế, yếu kém về năng lực của mình từ đó có biện pháp để tự học và tự bồi dưỡng.

Tiếc là các bài viết không ghi rõ thông tin cụ thể về giáo viên, nơi công tác. Có thể là người viết sợ làm tổn thương đến lòng tự trọng và danh dự của giáo viên. Nhưng… xác suất cao hơn đó là có người đã “bịa” ra những tình huống đó nhằm để câu like. Là người trong cuộc, chúng tôi tin rằng không có giáo viên nào lại có sai lầm “ngây thơ” đến như vậy.

Việc đưa lên các trang mạng xã hội những bài toán tranh cãi như vậy cũng khá thú vị nhằm giúp chúng ta nhớ lại kiến thức toán học, tránh sai lầm khi dạy con em hay học sinh. Điều không nên suy diễn là dựa vào những lời phê bút đỏ mà nghĩ rằng đấy là "tội" của giáo viên yếu kém và đưa ra những lời chỉ trích, giễu cợt, thậm chí là xúc phạm về trình độ, năng lực của họ.

Khi mà chưa xác định được ai đã làm nên những nét mực đỏ đó thì đừng nghĩ tác giả là giáo viên và đấy là lời phê thực sự. Làm vậy sẽ gây hoang mang, lo lắng cho phụ huynh và học sinh. Đặc biệt là làm mất đi niềm tin của xã hội đối với với giáo dục, làm mất đi hình ảnh đẹp đẽ của người giáo viên trong lòng học sinh và phụ huynh.

Từ “chuyện đùa” về toán xin đừng vội quy kết tội của ai đó, kẻo vừa vội vàng chụp mũ, vừa gây căng thẳng thêm không cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn