MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở Sở GDĐT Thanh Hóa - nơi xảy ra sự việc thiết bị giáo dục bị phản ánh kém chất lượng. Ảnh: Bình Minh

Xin đừng “trăm dâu” đổ đầu... giáo viên

PHAN NỮ LA GIANG LDO | 17/07/2021 20:00
Thiết bị giáo dục bị phản ánh kém chất lượng, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Thanh Hóa cho rằng, do giáo viên không biết sử dụng.

Giáo viên không biết... khởi động máy tính?

Dư luận đang xôn xao vì bài viết “Vụ thiết bị dạy học: Do giáo viên không biết sử dụng?” được đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng.

Theo đó, liên quan đến việc thiết bị dạy học cấp về các trường bị phản ánh kém chất lượng, ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa - cho biết, đã thành lập đoàn đi kiểm tra và xác định do giáo viên không biết sử dụng.

Theo ông Tạ Hồng Lựu, máy tính có cấu hình cao, nhưng thế hệ máy năm 2019 tốc độ khởi động không thể nhanh hơn so với thế hệ máy bây giờ. Qua kiểm tra, cấu hình đúng với hợp đồng mua bán.

“Thế nhưng, các trường phản ánh máy chậm, máy không khởi động được, không phải do máy kém chất lượng mà do giáo viên không biết sử dụng. Máy này, mấy lần đầu khởi động nó update (cập nhật) phần mềm nên khi sử dụng người dùng phải chờ để máy update cho xong hoặc là ấn bỏ qua update thì nó sẽ khởi động được. Nhưng có lẽ do máy đang update thì lại ấn lung tung nên gây ra lỗi phần mềm, lần sau khởi động không lên nữa. Máy chiếu thì cũng do người dùng không biết chỉnh tiêu cự" - ông Lựu cho hay.

Nếu quả thật giáo viên không biết khởi động máy tính như kết luận trên thì thật đáng buồn. Trong khi, việc khởi động máy tính bất cứ ai cũng có thể làm, bằng một hành vi ấn nút.

Hơn một thập kỉ nay, ngành Giáo dục đã đẩy mạnh phong trào ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, đặc biệt là những năm gần đây để chuẩn bị cho thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin.

Do đó, thông tin giáo viên không biết sử dụng máy tính cần được xem xét một cách thận trọng, khách quan.

Cũng tại Thanh Hóa, vừa qua, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, khởi tố bị can và bắt tạm giam nguyên Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa và nhiều cán bộ, vì liên quan dự án đấu thầu mua sắm thiết bị giáo dục kém chất lượng.

Thiết nghĩ, cần có sự xem xét kỹ lưỡng, phân tích nguyên nhân và có đầy đủ căn cứ rồi hãy kết luận, không nên vội vàng đổ lỗi cho giáo viên.

Mực đỏ… là của giáo viên

Thời gian gần đây, các trang mạng xã hội đăng một số bài viết với nội dung học sinh làm bài đúng nhưng giáo viên lại chấm sai, gây nên nhiều cuộc tranh cãi gay gắt.

Nếu những ví dụ mà các trang mạng đưa lên là có thực thì thật đáng buồn và đáng trách cho những giáo viên đó.

Tuy nhiên, các bài viết không ghi rõ thông tin cụ thể về giáo viên, nơi công tác, có thể để tránh làm tổn thương đến giáo viên. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp có người đã “bịa” ra những tình huống đó nhằm câu like, đặc biệt với kỹ thuật chế ảnh đã trở nên phổ thông.

Là người trong cuộc, chúng tôi tin rằng, không có giáo viên nào lại có sai lầm “ngây thơ”, “ngớ ngẩn” đến như vậy.

Việc đưa lên các mạng xã hội những bài toán tranh cãi như vậy cũng khá thú vị nhằm giúp chúng ta nhớ lại kiến thức Toán học, tránh sai lầm khi dạy con em hay học sinh. Điều không nên suy diễn là dựa vào những lời phê bút đỏ mà nghĩ rằng đấy là "tội" của giáo viên và đưa ra những lời chỉ trích, giễu cợt, thậm chí là xúc phạm về trình độ, năng lực của họ.

Từ “chuyện đùa” về Toán xin đừng vội quy kết tội của ai đó, kẻo vừa vội vàng chụp mũ, vừa gây căng thẳng không cần thiết.

Phê phán, phản biện với tinh thần xây dựng là cần thiết, nhưng cần khách quan, chính xác, tránh vội vàng, quy kết sai trái làm lung lay niềm tin của xã hội đối với với giáo dục, ảnh hưởng hình ảnh đẹp của người thầy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn