MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xót xa mức lương thấp của vận động viên Việt Nam dự Olympic

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 31/07/2021 19:30
Vận động viên Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020 chỉ nhận mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền ăn. Điều này khiến người hâm mộ không khỏi xót xa.

Tất cả 18 vận động viên thể thao Việt Nam đều đã thi đấu tại Olympic. Trong đó, 17 vận động viên đã bị loại, một số người không đạt thành tích cao như kỳ vọng. Điều này khiến họ nhận một số ý kiến chỉ trích. Tuy nhiên, với điều kiện hạn chế trong tập luyện, ít được thi đấu quốc tế trong thời gian qua cùng đãi ngộ thấp, họ xứng đáng được cảm thông.

Theo thông tư 86 của Bộ Tài chính, từ ngày 1.1.2021, tiền ăn của các vận động viên đội tuyển quốc gia và đội trẻ quốc gia được hưởng là 320.000 đồng/người/ngày. Với các vận động viên được ngành Thể thao đầu tư trọng điểm, số tiền ăn và tiền công có thể tăng lên đến khoảng 1 triệu đồng/người/ngày.

Các vận động viên chỉ nhận số tiền công tập luyện, còn tiền ăn sẽ trừ vào khẩu phần ăn của họ hàng ngày. Vì thế, tiền lương của họ nhận được trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng.

"Sự nghiệp thể thao của các vân động viên rất ngắn ngủi cho nên (theo suy nghĩ của tôi) mức lương như vậy của họ quá ít ỏi" - bạn đọc Thành Ngọc Cường chia sẻ sau bài viết "vận động viên Việt Nam dự Olympic nhận lương bao nhiêu?" của Lao Động.

"Có 7 triệu đồng làm sao có nhân tài mà đòi tranh huy chương" - độc giả Trịnh Văn Dũng thốt lên.

Thực thế, đãi ngộ dành cho các vận động viên thể thao Việt Nam đã được điều chỉnh theo mức tăng trong những năm qua. Ngoài ra, tiền thưởng huy chương cho họ cũng được nâng lên. Theo Nghị định 152 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 24.12.2018, vận động viên giành Olympic được thưởng tối đa lên tới 490 triệu đồng (trong số này có 350 triệu đồng cho Huy chương Vàng và 140 triệu đồng cho thành tích phá kỷ lục Thế vận hội). Vận động viên giành Huy chương Bạc Olympic nhận thưởng 220 triệu đồng và Huy chương Đồng là 140 triệu đồng.

Ngoài mức lương nhận ở các đội tuyển, các vận động viên còn nhận được sự hỗ trợ từ liên đoàn, hiệp hội thành viên hay các địa phương. Tuy nhiên ở Việt Nam, ngoài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có khả năng vận động tài trợ tốt, các liên đoàn khác vẫn gặp khó khăn trong việc kiếm tiền. Thế nên, những khoản hỗ trợ của họ cũng chỉ có chừng mực.

Thế vận hội là giải đấu đỉnh cao của thế giới, định kỳ 4 năm tổ chức 1 lần. Việc giành vé góp mặt ở Olympic cũng đã là một kỳ tích, còn việc đoạt được bất cứ một tấm huy chương nào khó gấp vạn lần. Các vận động viên Việt Nam đã thi đấu hết sức với tinh thần cao nhất. Việc trắng tay tại Olympic Tokyo 2020 sẽ đặt ra những vấn đề lớn cho ngành Thể thao Việt Nam trong việc xây dựng lực lượng, chuẩn bị tốt nhất cho Thế vận hội Paris 2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn