MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xu hướng đơn giản hóa, từ bỏ thói quen làm cả năm, tiêu 3 ngày Tết

VÂN HI LDO | 11/01/2024 16:36

Hiện nay, một số công nhân, người lao động có xu hướng đơn giản hóa Tết, chủ động mua sắm đồ dùng sớm để có được giá ưu đãi, phù hợp với thu nhập, tiết kiệm chi phí dự phòng bất trắc sau Tết.

Không còn làm cả năm, tiêu 3 ngày Tết

Với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng từ công việc gia sư, chị Phạm Thị Huỳnh Như (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) sau khi trừ đi các khoản phí sinh hoạt hàng tháng, tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng/năm. Những năm trước, số tiền này hầu như được chị Như tiêu hết trong những ngày Tết.

Tuy nhiên, khi nhận thấy việc mua sắm Tết của bản thân khá lãng phí chị Như quyết định đơn giản hóa Tết, nhất là khi tình hình vật giá leo thang như hiện nay.

Chị Như cho biết: "Bình thường đi làm chỉ dám ăn cơm ở nhà, mang nước theo uống chứ ít khi mua, hay ăn đồ ở ngoài. Lúc đó nghĩ đi làm cả năm, có mấy ngày Tết thì cứ tiêu xài. Qua Tết trong tay chẳng còn đồng nào. Bây giờ vật giá leo thang, cái gì giá cũng cao, càng gần Tết càng tăng giá. Do đó, năm nay tôi tiết kiệm mua sắm hơn".

Theo chị Như, dự tính chi tiêu, mua sắm Tết của gia đình rơi vào khoảng 10 - 15 triệu đồng, ít hơn năm vừa rồi 5 - 7 triệu đồng. Để có cái Tết ấm cúng nhưng không mất quá nhiều tiền, chị Như quyết định mua sắm trước để có giá ưu đãi.

Tết Nguyên đán 2024, chị Như quyết định chỉ mua đồ dùng cần thiết để tránh lãng phí. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Bây giờ tôi đã mua sắm bánh mứt trước, cần trang trọng thì sẽ tự mua giỏ quà về gói. Mua trước giá sẽ rẻ hơn từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Còn trang trí, sắm sửa đồ dùng tôi cũng hạn chế, chỉ mua vài bộ quần áo mới cho gia đình. Tết là dịp để gia đình sum họp, đơn giản nhưng ấm cúng là được", chị Như cho hay.

Tương tự, nữ công nhân Nguyễn Thị Đến (tỉnh Hậu Giang) cho biết: "Gia đình tôi cũng khó khăn, 7 triệu đồng là số tiền tiêu xài hàng tháng, luôn thiếu trước hụt sau. Do đó, Tết với gia đình tôi chỉ cần sum họp, ít bánh biếu ông bà, một nồi thịt kho trứng là được, không cần quá cầu kì".

Dự phòng bất trắc

Theo nữ công nhân Nguyễn Thị Đến, trước tình hình biến động giá cả như hiện nay, gia đình chị không dám chi tiêu quá mức, nếu đổ dồn tiền tiết kiệm vào Tết thì sau Tết sẽ rơi vào cảnh chật vật.

"Với tôi quan niệm có bao nhiêu tiền xài hết cho Tết, qua Tết làm lại không còn phù hợp nữa. Lúc trước gia đình tôi đi làm cả năm được vài chục triệu, Tết mua sắm không suy nghĩ. Hết Tết, vợ chồng ăn cơm với rau luộc, nước tương", chị Đến kể lại.

Theo chị Đến, tình hình kinh tế khó khăn, giá cả lên xuống liên tục do đó cần có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, dự phòng bất trắc. "Cứ Tết mua sắm không nghĩ trước, nghĩ sau, đến khi trong túi không còn đồng nào lại đi vay mượn người này, người kia thì khó khăn lắm", chị Đến bộc bạch.

Không còn làm cả năm, tiêu 3 ngày Tết, chị Phạm Thị Huỳnh Như cũng tiết kiệm để dự phòng bất trắc sau này. "Tôi may mắn là chỗ làm việc gần nhà nên đỡ tốn chí phi thuê chỗ ở. Nhưng nếu cứ tiêu xài phung phí như trước thì e sau này không có nổi khoản tiết kiệm. Ông bà tôi hiện cũng đã lớn tuổi, cũng nên tiết kiệm phòng khi đau ốm. Ông bà thấy con cháu tự chăm lo cho bản thân, có thể phụ giúp thì mừng lắm", chị Như nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn