MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thượng úy Nguyễn Xô Việt tát vào mặt nhân viên trạm dừng nghỉ (ảnh cắt từ clip).

Xử không nghiêm, còn tái diễn

V.TRẦN - CAO NGUYÊN LDO | 14/11/2019 06:37
Thời gian vừa qua, nhiều vụ việc liên quan tới văn hóa ứng xử thiếu chuẩn mực của một số cán bộ công quyền khiến nhân dân, dư luận bức xúc. Mới đây nhất là vụ việc thượng úy CA Nguyễn Xô Việt “ném xúc xích, tát nhân viên”. Trước đó là việc nữ đại úy CA Lê Thị Hiền “đại náo” sân bay gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh cán bộ công an vì nhân dân phục vụ. Trao đổi với Lao Động, nhiều ý kiến cho rằng, những vụ việc này cần phải xử lý nghiêm để tạo sự răn đe, tránh tái diễn những sự việc tương tự.

Nữ đại úy náo loạn sân bay, nam thượng úy hành xử như côn đồ tại trạm dừng nghỉ

Những giờ qua, đoạn clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông có hành động ném trả lại xúc xích, tát lia lịa vào mặt nhân viên bán hàng tại trạm dừng nghỉ Hải Đăng (Thái Nguyên) khi họ nhắc nhở con trai của người này thanh toán tiền đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Nhiều người tỏ ra bất bình với hành động côn đồ của người bố. Điều đáng nói, người bố trong clip nói trên được xác định là thượng úy Nguyễn Xô Việt - cán bộ công an thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) nhưng lại hành xử rất phản cảm khiến dư luận bức xúc. Trước đó không lâu, sự việc bà Lê Thị Hiền (36 tuổi, đại úy Công an quận Đống Đa, Hà Nội) có hành vi không hợp tác, to tiếng chửi bới, có lời lẽ thô tục xúc phạm, lăng mạ nhân viên thủ tục hàng không; hành hung, dùng tay nắm tóc và dùng chân đạp vào người nhân viên kiểm soát an ninh hàng không đang làm nhiệm vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng gây xôn xao dư luận.

Vụ việc nữ đại úy CA Lê Thị Hiền gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh cắt từ clip

Nhìn nhận về một số vụ việc có liên quan tới cách hành xử của cán bộ công chức trong giờ làm việc và nơi công cộng, PGS-TS Ngô Thành Can - Học viện Hành chính Quốc gia - nhận định ở đây có 2 vấn đề đó là văn hóa ứng xử trong thực thi công vụ và thứ hai là bên ngoài phạm vi đó. Theo ông, những vụ việc liên quan tới văn hóa ứng xử của cán bộ công chức kể cả những người hoạt động trong lĩnh vực lực lượng vũ trang như quân đội hay công an là vấn đề rất quan trọng. Những sự việc như nữ đại úy náo loạn sân bay hay như vụ thượng úy công an tát nhân viên trạm dừng nghỉ là những sự việc rất đáng tiếc và khiến dư luận rất bức xúc.

“Trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng tới quyền lợi cá nhân, ảnh hưởng tới cá nhân họ thì họ ứng xử không chuẩn hay còn gọi là sự lệch chuẩn của những người làm trong các cơ quan công quyền. Sự lệch chuẩn ở đây không phải trong hoạt động quản lý nhà nước với trách nhiệm của họ mà lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử với xã hội” - ông Can nói.

Xử lý nghiêm, không bưng bít

Cũng theo PGS-TS Ngô Thành Can, để hạn chế việc này cần phải có chế tài đủ sức mạnh và nghiêm minh mới có sức răn đe. Như vậy nhiều người khác phải lấy đó làm gương để tránh để xảy ra những trường hợp tương tự. Ông nhấn mạnh: “Với người dân và người bình thường khi có vi phạm thì bị xử lý. Nhưng những người trong cơ quan công quyền, thực thi quyền lực nhà nước, đại diện cho nhà nước mà vi phạm những lỗi tương tự thì bị xử lý nặng hơn nhiều lần. Nếu xử lý không nghiêm có thể sẽ còn xuất hiện câu chuyện tương tự. Cán bộ chiến sĩ là những người được nhân dân lựa chọn và phục vụ nhân dân chứ không phải là người đứng trên pháp luật, đè đầu cưỡi cổ nhân dân”.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, qua sự việc trên, cơ quan quản lý, ngành cũng cần xem xét công tác giáo dục chính trị tư tưởng. “Với những người thiếu sự tu dưỡng, luôn luôn nghĩ mình là công an, nghĩ mình là người nắm quyền lực, mình muốn làm gì ai thì làm, cách xử sự của họ làm xấu đi phẩm chất cá nhân, đồng thời cũng thể hiện hình ảnh của ngành”, ông Nhưỡng nhận xét. Đồng thời, ông Nhưỡng cũng cho rằng: “Đơn vị trực tiếp quản lý người này không thể bưng bít, che đậy, phải xử lý thật nghiêm khắc bởi hình ảnh đã lan truyền rộng, nó như một thứ u nhọt phải cắt, đừng để dây dưa, hay xử lý nội bộ”.

Trong khi đó, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục - Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận, trong khi rất nhiều chiến sĩ công an tận tụy với công việc, thậm chí hy sinh cả tính mạng vì dân vì nước. Nhưng một số con sâu đã làm rầu nồi canh… từ đó, ông đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo Công an Thái Nguyên cần có giải pháp kịp thời nghiêm túc, loại ngay những người có hành vi côn đồ, không thể để trong ngành. Bởi nếu xử không nghiêm, còn để lại trong ngành thì hiện tượng, hành vi ấy có cơ hội tái diễn. “Người ta nói chiến sĩ công an nhân dân là phải bảo vệ nhân dân, thân thiện với nhân dân chứ đâu có chuyện có những hành vi côn đồ như thế”, ông Tiến bày tỏ.

Tạm đình chỉ công tác 1 tháng với thượng úy Nguyễn Xô Việt

Đại tá Đặng Đức Đang - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên - cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác thời hạn 1 tháng đối với thượng úy Nguyễn Xô Việt - cán bộ Công an thị xã Phổ Yên, người bị tố hành hung nhân viên trạm dừng nghỉ Hải Đăng. Sau khi sự việc xảy ra, Công an tỉnh Thái Nguyên đã phân công Công an thị xã Phổ Yên làm rõ, nếu xác minh có vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Căn cứ báo cáo ban đầu của Công an thị xã Phổ Yên, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định tạm đình chỉ công tác của Thượng uý Nguyễn Xô Việt.

Liên quan tới vụ nữ đại úy Lê Thị Hiền gây náo loạn sân bay, Công an TP.Hà Nội dự kiến hạ cấp bậc hàm của bà Lê Thị Hiền từ đại úy xuống trung úy, đồng thời, chuyển bà Hiền xuống nhận công tác ở vị trí không tiếp dân. T.VƯƠNG

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn