MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rà soát một phần diện tích đất xâm lấn thuộc BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Ảnh: Hưng Thơ

Xử lý thế nào với hàng nghìn ha đất lâm nghiệp ở Quảng Trị bị xâm lấn?

HƯNG THƠ LDO | 29/10/2023 06:30

Ngoài Ban Quản lý (BQL) Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông bị xâm lấn gần 2.500 ha đất rừng mà Lao Động đã thông tin ở bài trước, 4 đơn vị lâm nghiệp ở tỉnh Quảng Trị còn bị xâm lấn thêm 6.278 ha đất lâm nghiệp. Trong số diện tích đất bị xâm lấn, cần phải thu hồi hơn 4.100 ha, nhưng bao giờ thu hồi, vẫn đang là dấu hỏi.

Thu hồi khó, diện tích xâm lấn tăng thêm

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, tình hình xâm lấn đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rất phức tạp. Chỉ riêng ở 5 đơn vị lâm nghiệp, gồm BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đường 9 - đã có 8.778 ha đất lâm nghiệp bị xâm lấn.

Trong số các đơn vị lâm nghiệp bị xâm lấn đất, BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông dẫn đầu, với số diện tích đất bị xâm lấn lên đến 5.230 ha.

Trong đó, diện tích bóc tách bàn giao lại cho địa phương theo Công văn số 1961/UBND-TN ngày 20.5.2021 và Quyết định 717/QĐ-UBND ngày 12.4.2023 là 3.411 ha. Tổng diện tích xâm canh, xâm lấn rừng, đất rừng cần phải thu hồi là 1.819 ha (tại huyện Đakrông là 1.140 ha, tại huyện Hướng Hóa là 679 ha). Ở diện tích cần phải thu hồi, hiện là nương rẫy xen lẫn trong rừng tự nhiên, rừng trồng của người dân xâm canh, nương rẫy xen lẫn trong đất trống, đất nông nghiệp.

Diện tích đất bị lấn chiếm ở BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông trong những năm qua có dấu hiệu tăng, trong lúc việc thu hồi không tiến triển.

Như tại tiểu khu 761S ở trung tâm thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa), vào tháng 4.2023, BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông phát hiện 4 hộ dân phá rừng thông cổ thụ để chiếm chưa đến 1ha đất rừng phòng hộ. Dù đã báo cáo với cơ quan chức năng, và nhiều lần mời các đối tượng đến làm việc, nhưng không ai chấp hành.

Bên cạnh dãy núi đá, là các diện tích nương rẫy của người dân huyện Đakrông xâm lấn trên đất rừng. Ảnh: Hưng Thơ

Tiếp đó, đơn vị trên cũng đã phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa, nhưng nhiều tháng trôi qua vẫn chưa xử lý được, trong lúc diện tích rừng thông tiếp tục bị xâm hại…

Phát hiện các đối tượng phá rừng để chiếm đất với đầy đủ thông tin, nhưng nửa năm chưa thu hồi, chưa xử lý được, vậy việc thu hồi cả nghìn ha đất rừng ở đơn vị này sẽ tiến hành thế nào?

Làm rõ trách nhiệm, phối hợp đồng bộ để thu hồi đất bị xâm lấn

Ông Trần Hiệp - Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết, các BQL rừng đặc dụng, phòng hộ vùng miền núi gặp khó khăn trong việc vận động người dân trả lại đất nương rẫy cũ, được canh tác từ lâu đời nhưng không liền vùng, liền khoảnh để rà soát, điều chỉnh, bóc tách trả về địa phương quản lý.

Có những vị trí là nương rẫy cũ, sản xuất ổn định của người dân từ trước, nhiều vị trí không xác định được chủ nên chưa được rà soát, bóc tách các đợt trước đây, vì vậy quá trình thu hồi đất sẽ gặp nhiều khó khăn. Diện tích xâm canh, xâm lấn chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, việc chấp hành pháp luật còn hạn chế…

“Trong quá trình cấp đất cho các đơn vị lâm nghiệp, có nơi chưa đi thực địa, mà chỉ đi bao quanh, trong lúc ở đó có đất, thậm chí có nhà mà người dân ở, canh tác từ lâu. Ngoài ra, một số nơi cấp sổ đỏ có chồng chéo, nên cần phải tìm hiểu kỹ. Để thuận tiện cho quá trình quản lý, có 1 số diện tích thuộc các trường hợp trên cần bóc tách lại để bàn giao cho địa phương. Còn đối với những diện tích mà người dân xâm lấn, có chứng cứ thì phải xử lý hành chính, nặng thì hình sự” - ông Trần Hiệp, cho hay.

Một diện tích rừng đặc dụng thuộc quản lý của BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông bị đầu độc rồi lấn chiếm đất. Ảnh: Hưng Thơ

Trao đổi với Lao Động liên quan đến vấn đề thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, xâm lấn, ông Phan Văn Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị này đã yêu cầu các BQL rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp rà soát kỹ các diện tích đất bị xâm canh, xâm lấn. Tới đây, Sở NNPTNT tỉnh sẽ chủ trì buổi làm việc, mời Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh cùng các đơn vị liên quan để đi đến thống nhất, rồi tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị xử lý dứt điểm tình trạng này.

Theo ông Phước, việc xâm canh, xâm lấn này diễn ra từ lâu, một phần do quá khứ lịch sử để lại, rồi một phần cắm mốc ranh giới chưa rõ ràng, nên rất phức tạp. Bên cạnh đó, trong công tác quản lý, phải thừa nhận là ở những vùng địa hình hiểm trở khó khăn, do lực lượng mỏng nên các chủ rừng chưa đi đến nơi, nên người dân lợi dụng xâm canh, xâm lấn.

“Bây giờ tháo gỡ thế nào cho hợp lý, vừa đảm bảo diện tích sản xuất của các đơn vị lâm nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích hài hòa của người dân. Bên cạnh đó, sẽ làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, nếu quản lý lỏng lẻo để người dân xâm lấn, thì sẽ quy trách nhiệm và xử lý để tránh tình trạng này tiếp diễn” - ông Phan Văn Phước, nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn