MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu xưởng chế biến sứa của Công ty TNHH Quan Minh đã hết thời hạn thuê với UBND tỉnh Quảng Ninh nhưng chưa được thu hồi. Ảnh: PV

Xưởng sản xuất, nhà hàng, khách sạn… thi nhau “xẻ thịt” vườn Quốc gia Bái Tử Long

Nhóm PV LDO | 20/06/2022 11:00
Vườn quốc gia Bái Tử Long (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) là một trong bảy vườn Quốc gia hiện nay được bảo vệ nghiêm ngặt cả diện tích trên cạn lẫn dưới nước. Tuy nhiên, những năm qua, do yếu kém trong công tác quản lý, vườn Quốc gia Bái Tử Long bị “xẻ thịt” không thương tiếc... 

Công trình “khủng” mọc ngang nhiên trong vườn Quốc gia Bái Tử Long

Vườn Quốc gia Bái Tử Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ chuyển hạng khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn, tỉnh Quảng Ninh thành vườn Quốc gia Bái Tử Long theo Quyết định số 85/2001/QĐ-TTg vào ngày 1.6.2001, với tổng diện tích là 15.783 ha. Đến ngày 30.10.2014, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1976/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, diện tích Vườn quốc gia Bái Tử Long giảm 500ha, còn 15.283ha.

Tuy nhiên, do việc quản lý, bảo vệ rừng yếu kém, vườn Quốc gia Bái Tử Long đã bị một số cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân “xẻ thịt” không thương tiếc. Thậm chí, chính quyền địa phương và một số cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý để hàng chục doanh nghiệp, cá nhân xây dựng “băm nát” vườn Quốc gia Bái Tử Long, hủy hoại môi trường, làm mất đi vẻ tự nhiên vốn có của vườn Quốc gia Bái Tử Long.

Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, hiện nay trong vườn Quốc gia Bái Tử Long xuất hiện nhiều công trình, nhà xưởng được xây dựng kiên cố có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp.

Cụ thể, từ thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh), di chuyển bằng tàu cao tốc ra đảo Trà Ngọ mất khoảng 30 phút.

Trên đảo này, Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Hoa đang triển khai dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái đảo Trà Ngọ - Cái Lim với nhiều hạng mục “khủng” như: Cầu cảng, tàu du lịch, nhà điều hành, nhà vòm, bể bơi, trại sản xuất giống thuỷ sản, 4 hồ chứa nước ngọt rộng 28ha,  khu xử lý nước thải, khu vệ sinh, hệ thống đường đất bao quanh đảo rộng 3m, chiều dài hơn 1km…

Công trình bề thế là vậy nhưng toàn bộ khu vực triển khai dự án hiện vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ tách khỏi ranh giới Vườn quốc gia Bái Tử Long. Càng khó hiểu khi chủ đầu tư dự án lại được UBND tỉnh Quảng Ninh ký cho thuê đất, thời hạn 50 năm với tổng diện tích là 1.214.262m2, từ ngày 10.9.2007. 

Tương tự, cách thị trấn Cái Rồng gần 1h tàu cao tốc là khu vực núi Ổ Lợn thuộc xã Minh Châu (huyện Vân Đồn). Tại đây, Công ty TNHH Quan Minh xây dựng nhiều hạng mục trong ranh giới Vườn quốc gia Bái Tử Long. Thời điểm chúng tôi đến, xưởng chế biến sứa rộng hơn 4.400m2 của doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động. Nhiều hạng mục công trình xuống cấp, hư hỏng. Một người dân được Công ty TNHH Quan Minh thuê trông coi tài sản cho biết, do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm sứa sang Trung Quốc nên khu vực xưởng đã tạm dừng hoạt động hơn năm nay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 2.2009, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định số 456/QĐ - UBND về việc cho Công ty TNHH Quan Minh thuê đất để xây dựng xưởng chế biến sứa tại xã Minh Châu, huyện Vân Đồn, có diện tích gần 4.500m2 và thời hạn thuê đất là 10 năm. Đến nay, đã quá hạn thuê đất nhưng không hiểu vì lý do gì UBND tỉnh Quảng Ninh chưa ra quyết định thu hồi với phần diện tích đất này.

Cơ quan nhà nước cũng “xẻ thịt” vườn Quốc gia

Ngoài các cá nhân vi phạm thì  các công trình, dự án của các cơ quan Nhà nước cũng góp phần “băm nát” vườn Quốc gia.

Điển hình là Dự án đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng vùng sản xuất nhuyễn thể tập trung tại huyện Vân Đồn, do Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Khu đất có diện tích gần 73,5 nghìn mét vuông ở đảo Lỗ Ố, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn.

Tại đây, hàng loạt công trình kiên cố đã được xây dựng như 1.240m đường giao thông; gần 2.000m2 sân bãi tập kết hàng hóa; hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, khu nhà điều hành, nhà ở, nhà ăn, nhà bảo vệ; hệ thống thiết bị công nghệ, tường rao, sân đường nội bộ…

Nhiều hạng mục công trình được xây dựng là vậy, thế nhưng cho đến nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa được UBND tỉnh Quảng Ninh giao quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực này.

Theo một người dân địa phương, không chỉ có Dự án đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng vùng sản xuất nhuyễn thể tập trung tại huyện Vân Đồn, Dự án đầu tư xây dựng Trạm kiểm soát trên sông, vịnh của Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vân Đồn do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư cũng là thủ phạm “băm nát” vườn Quốc gia Bái Tử Long.

Mặc dù chưa được Thủ tướng cho ý kiến điều chỉnh ra khỏi ranh giới Vườn quốc gia Bái Tử Long. Chưa được cấp có thẩm quyền quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, đến thời điểm này, công trình đã hoàn thiện phần thô nhà làm việc 2 tầng với diện tích gần 550m2.

Vườn quốc gia Bái Tử Long rộng hơn 15.700ha với 40 hòn đảo, nằm ở vùng lõi vịnh Bái Tử Long, có hệ sinh thái phong phú cả trên cạn, dưới nước và vùng ngập mặn.

Đồng thời có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Vườn quốc gia Bái Tử Long bao gồm 5 hệ sinh thái là: Rừng mưa lá rộng, rừng đá vôi, rừng duyên hải, vùng san hô và vùng nước nông với nhiều loài động thực vật quý hiếm”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn