MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ý kiến trái chiều về việc "giáo viên nghỉ hưu tuổi nào là phù hợp"

Phương Minh LDO | 03/04/2023 16:04

Vấn đề tuổi nghỉ hưu của giáo viên đang thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Trong số đó có nhiều ý kiến muốn giữ tuổi nghỉ hưu như trước đây: Giáo viên nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55...

Nhiều ý kiến của giáo viên mong muốn giữ tuổi nghỉ hưu như trước đây, giáo viên nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn.

Bình luận về vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Khánh cho rằng, một bộ phận giáo viên càng lớn tuổi sức khoẻ càng kém dần - đó là điều không thể tránh khỏi.

Hơn nữa, phần lớn đội ngũ nhà giáo hiện nay đều cảm nhận được sự vất vả đối với nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi. Khi ngành giáo dục luôn thay đổi, luôn có những yêu cầu mới, nhất là trong bối cảnh toàn ngành đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều áp lực với những môn học mới, môn tích hợp... phần nhiều giáo viên luôn mong muốn được giữ tuổi nghỉ hưu như quy định cũ, bởi tăng lên năm nào là sợ thêm năm đó.

"Nếu giữ được ngưỡng tuổi về hưu như quy định trước đây (nam 60, nữ 55) là tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu nam về hưu lúc 55-58 tuổi, nữ 52-53 tuổi" - bạn đọc Nguyễn Khánh viết.

Cũng theo bạn đọc này, thực tế, khi bước vào tuổi 55, giáo viên nữ đã có 33 năm công tác, giáo viên nam đến 60 tuổi thì đã có 38 năm công tác. Những giáo viên ở thế hệ cũ, họ đã học hệ trung cấp, cao đẳng và một số học hệ cấp tốc, hệ 9+3.

Chừng ấy năm cống hiến, cùng buồn vui với sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà có lẽ nghỉ hưu sớm cũng là điều phù hợp. Chúng ta cứ nhìn xung quanh, sẽ thấy không ít giáo viên về hưu mà không mắc bệnh nghề nghiệp khi phải nói nhiều, đứng nhiều và hít nhiều bụi phấn.

Bởi vậy, việc đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS như trước đây là điều hoàn toàn phù hợp với đặc thù của nghề nghiệp; kiến nghị này đang nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhà giáo.

Nếu duy trì tuổi 62 với giáo viên nam, 60 tuổi đối với giáo viên nữ, chỉ nên áp dụng với những nhà giáo có học hàm, học vị cao, đang công tác ở các trường đại học, học viện, hoặc các nhà quản lý giáo dục sẽ phù hợp hơn. Đối với giáo viên từ mầm non đến phổ thông, dù yêu nghề đến bao nhiêu cũng không mong muốn tăng thêm tuổi hưu.

Còn bạn đọc Nguyễn Hương cho hay: "Tôi đã gần 50 tuổi. Ở tuổi này, sức khoẻ giảm đi trông thấy, bước lên cầu thang như nỗi cực hình của giáo viên lớn tuổi. 1 buổi 4-5 tiết từ hết lớp này đến lớp khác, đi lên, đi xuống cầu thang rất chóng mặt.

Tôi chỉ mong 50 - 55 tuổi được về hưu để nghỉ ngơi. 60 - 62 tuổi với sức của nghề giáo ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy và đặc biệt học sinh mầm non, tiểu học chỉ thích cô giáo trẻ".

Cũng theo bạn đọc Nguyễn Hương, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, trong khi giáo dục cần lắm người trẻ có nhiệt huyết để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn