MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kênh YouTube của YouTuber Thơ Nguyễn có đến 8,74 triệu người theo dõi. Ảnh: Thế Lâm.

YouTuber, Facebooker triệu views và mặt trái của “quyền lực triệu fan”

Thế Lâm LDO | 17/03/2021 07:57

Một trong những mặt trái gây lo lắng dư luận của các YouTuber hay Facebooker có hàng trăm ngàn người theo dõi trở lên và mỗi clip có hàng triệu lượt xem là khi họ muốn công kích ai đó thì huy động đông đảo các fans của mình.

Tình trạng này không còn xa lạ, và cũng chẳng phải là trường hợp hiếm trong bối cảnh xã hội có nhiều YouTuber, Facebooker đã trở thành những influencer (những người dẫn dắt dư luận trên mạng xã hội) thu hút hàng triệu, thậm chí chục triệu lượt xem trên mỗi clip.

Một trong những vụ việc từng gây ầm ĩ dư luận là việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kêu gọi giới “hiệp sĩ, anh em giang hồ” là fans của mình kéo xuống Tiền Giang “trừng trị” anh Đ.V.T vào tháng 10.2019 và còn lưu ý “nhớ quay clip nhen” với “giải thưởng 20 triệu đồng” uống càphê.

Sau đó, Đàm Vĩnh Hưng bị dư luận phản ứng mạnh nên đã xóa status kêu gọi đánh người trên trang cá nhân, đồng thời đã nhận sai về hành vi này.

Với trường hợp Thơ Nguyễn, người gây sóng gió trong dư luận những ngày qua vì đăng tải clip “Xin vía học giỏi” trên TikTok. Trước đây, YouTuber này từng kêu gọi các fans là trẻ em lan truyền đường link một clip YouTube của mình với nội dung phản bác một bài viết trên một tờ báo online: “Các em hãy chia sẻ thật rộng rãi video này và tránh xa những tờ báo lá cải vớ vẩn đó nhé”.

Từ trường hợp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho đến Thơ Nguyễn, những “lời kêu gọi” đều được “đáp lại” ở từng mức độ khác nhau và dẫn đến hệ lụy hay hậu quả nhất định.

Trong trường hợp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, có đến vài chục “hiệp sĩ, anh em giang hồ” kéo đến tận nơi ở của anh T. và vả, tát liên tục vào mặt, miệng của anh này đến mức bê bết máu.

Còn trong trường hợp hưởng ứng “lời kêu gọi” của Thơ Nguyễn, trang fanpage của những tờ báo có bài báo liên quan bị “dính chưởng” vì báo cáo (report) xấu về cho Facebook ảnh hưởng đến đánh giá của mạng xã hội này đến những trang fanpage của các tờ báo trên.

Một vụ việc nữa cũng từng gây bức xúc dư luận là một thầy giáo dạy hóa học kêu gọi fans của mình đánh giá 1 sao đối với ứng dụng theo dõi chất lượng không khí AirVisual. Trong vụ việc xảy ra vào tháng 10.2020 này, phía AirVisual cho biết vì “cơn bão” đánh giá 1 sao mà họ đã phải tạm ẩn ứng dụng trên hai kho nổi tiếng là App Store (Apple) và Play Store (Google).

Vị thầy giáo hóa học sau đó cũng đã phải lên tiếng xin lỗi trước sự phê phán của dư luận tại Việt Nam.

Nguyên phóng viên của một tờ báo online nổi tiếng tại Việt Nam, người từng có bài viết về một YouTuber chuyên về du lịch và ẩm thực K.P cũng đã từng phải “chịu trận” công kích từ số đông fans của YouTuber này.

Căn nguyên bắt đầu từ việc YouTuber trên dùng các câu hỏi cắt cớ gài bẫy cô nhân viên tiếp tân của một resort ở Phan Thiết, sau đó đăng tải clip lên kênh YouTube có đến vài triệu người theo dõi của mình. Anh phóng viên đã có bài viết phân tích, phê phán chiêu trò của YouTuber.

Thế nhưng sóng gió nổi lên sau đó không chỉ đối với resort và cô nhân viên tiếp tân nói trên mà còn “khủng khiếp” không kém khi các fans của YouTuber này kéo vào trang cá nhân của phóng viên, fanpage của tờ báo dùng những lời lẽ công kích, chửi bới, đồng thời sử dụng công cụ báo cáo xấu về trang fanpage… khiến anh phóng viên này phải đóng cửa trang Facebook cá nhân.

Đó là chưa kể, không ít doanh nghiệp cũng e ngại các YouTuber và Facebooker triệu view vì những bài viết, clip họ đăng tải có thể gây bất lợi cho các nhãn hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn