MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giới hạn nào cho các Youtuber? Ảnh: Chụp màn hình.

YouTuber xúc phạm danh dự người khác có thể bị truy tố

LƯƠNG HẠNH LDO | 12/03/2021 13:04

Trò “troll” nhảm nhí, lố lăng hay xúc phạm quyền riêng tư, hình ảnh cá nhân của người khác là những việc làm mà một số YouTube dùng chiêu trò để câu like, câu view kiếm tiền. Nhiều bạn đọc đặt ra câu hỏi giới hạn nào cho nghề YouTuber, nếu người xem xúc phạm quyền riêng tư, hình ảnh cá nhân thì YouTuber bị xử phạt như thế nào?

Đủ trò câu view, câu like

Gần đây, bà Nhâm Thị Tư - mẹ cố nghệ sĩ Vân Quang Long - liên tục nhận được những lời vu khống, chửi rửa của các YouTuber. Vì vậy, gia đình bà đã làm đơn kêu cứu Công an tỉnh Đồng Tháp.

Trước đó, tại đám tang của diễn viên Mai Phương vào tháng 3.2020, một số YouTuber trà trộn chụp ảnh, quay lén việc khâm liệm, lễ viếng và lễ hỏa táng diễn viên này rồi phát tán trên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của gia đình người đã mất.

Kênh PHD troll với gần 1,7 triệu người theo dõi. Ảnh: Chụp màn hình.

Theo khảo sát của PV, đa phần các kênh này đều tự phát, thuộc về tài khoản cá nhân, không đầu tư về mặt hình ảnh, tiền bạc mà chỉ “ăn theo” dư luận để câu view.

Kênh Hưng vlogs với video “ăn cháo gà nguyên lông” từng bị lên án mạnh mẽ. Ảnh: Cắt từ clip.

Không chỉ chửi bới, xúc phạm hình ảnh cá nhân, một số kênh YouTube còn thực hiện những chiêu trò lố bịch. Kênh Hưng Vlog từng thực hiện trò chơi khăm “thắp nhang cúng em gái - em trai”; kênh YouTube Việt với thử thách “24 giờ làm chó”, “24h sống trong nhà vệ sinh”; kênh NTN Vlogs với video tiêu đề thả 100 cái dao từ trên cao xuống.

Video nhảm nhí, lố lăng nhưng lại thu hút lượt người xem đến hàng triệu view từ kênh NTN. Ảnh: Chụp màn hình.

Không bật chế độ hạn chế, không đưa ra bất kì cảnh báo gì về nội dung,... Đối tượng người xem các sản phẩm này chủ yếu nằm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, thậm chí là trẻ nhỏ.

Giới hạn nào cho Youtuber?

Chính vì sự tự do này mà các YouTuber không biết điểm dừng, trong khi hậu quả gây ra sẽ khiến cho những người vô can chịu tổn thất tinh thần rất lớn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa (luật gia thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Danh dự nhân phẩm và hình ảnh của một cá nhân luôn được pháp luật bảo vệ trong mọi trường hợp. Quy định này được cụ thể hóa tại Điều 34 Bộ luật dân sự 2015. Dù người đó còn sống hay đã mất thì việc bảo toàn danh dự sẽ luôn được pháp luật đề cao và nếu không có khả năng tự bảo vệ thì bố mẹ, vợ chồng hoàn toàn có thể đại diện để thực thi quyền này. Những đối tượng có hành vi như trên sẽ có thể phải chịu những hậu quả tại Điều 592 và Điều 155 Bộ luật dân sự 2015".

Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, việc sử dụng các mạng xã hội như YouTube, Facebook để đăng tải những clip với mục đích xúc phạm hoàn toàn có thể bị truy tố theo Khoản 2 Điều 155: Phạt tới 2 năm tù. Khi việc xúc phạm chưa đến mức truy tố hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại 100.000 đến 300.000 đồng theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Vụ video của kênh Thơ Nguyễn trên Tiktok tạo nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng. Ảnh: Chụp màn hình.

Trước đó, sau vụ kênh YouTuber Thơ Nguyễn đăng tải các video nhảm gây làn sóng phẫn nộ từ phía các phụ huynh, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng cần sự chung tay của cả cộng đồng để dẹp vấn nạn này.

Theo ông Nam, các video nhảm này không chỉ ảnh hưởng đến trẻ em mà cả những người lớn. Cần phát động những chiến dịch “báo xấu” từ tất cả người dùng để chủ nhân các kênh nhảm này phải gỡ bài, gỡ video. Bên cạnh đó, nên giáo dục nhận thức sử dụng YouTube từ chính phụ huynh cho trẻ nhỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn