MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại buổi cà phê ăn sáng giữa doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu ngày 1.4, nhiều doanh nghiệp bất động sản phản ánh đang gặp khó khăn về thủ tục đất đai. Ảnh: Nhật Hồ

184 tuyến đường ở Bạc Liêu chưa có giá đất, muốn làm nhà ở xã hội cũng phải chờ

NHẬT HỒ LDO | 01/04/2024 16:11

Bạc Liêu - Dự án đã hoàn thành nhưng chưa có tên đường nên không định giá đất được khiến doanh nghiệp không thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Dự án hoàn thành, bảng giá đất vẫn chưa có

Tại buổi cà phê ăn sáng cùng doanh nghiệp được tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 1.4, ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu, đại diện Công ty Bình Dương Bạc Liêu cho biết, doanh nghiệp của ông có thực hiện dự án khu dân cư ven sông Hòa Bình (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu).

Dự án đã được cơ quan chức năng cho phép chuyển nhượng cho khách hàng, nhưng do chưa có bảng giá đất nên không thể chuyển nhượng. Doanh nghiệp làm việc với các cơ quan chuyên môn nhiều lần nhưng chưa giải quyết được.

Ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu - phản ánh về dự án do mình đại diện không có tên đường nên chưa định giá khiến không chuyển nhượng quyền sử dụng đất được. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Tôn tha thiết: "Tôi mong Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu sớm ban hành bảng giá đất để doanh nghiệp chuyển quyền sử dụng đất cho khách hàng, vì hiện tại chúng tôi không thể chuyển nhượng được".

Trước đó, doanh nghiệp này cho biết, dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sổ đỏ cũng đã được cấp. Nhưng do các tuyến đường trong dự án chưa có tên đường, vì vậy các cơ quan chức năng không tính được giá đất, ngành thuế không có cơ sở tính giá để thu thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Bình Thuận - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu - giải đáp rằng bảng giá đất hiện nay được xây dựng 5 năm một lần, hằng năm có điều chỉnh bổ sung các tuyến đường mới được đầu tư.

Ông Nguyễn Bình Thuận - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu - trả lời doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Hồ

Do dự án khu dân cư của Công ty Bình Dương Bạc Liêu hoàn thành vào cuối năm 2023 trong khi bảng giá đất của năm 2023 đã được bổ sung vào đầu năm nên không được cập nhật. Chính vì vậy không có cơ sở để tính giá đất các tuyến đường chưa có tên đường.

Ông Thuận cũng xác nhận, toàn tỉnh Bạc Liêu cần bổ sung bảng giá đất cho 184 tuyến đường. Sở đang tổng hợp, làm dự toán, thuê tư vấn, làm các quy trình khác để tham mưu UBND tỉnh Bạc Liêu trình HĐND tỉnh thông qua, chậm nhất trong tháng 5.2024 sẽ xong.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng việc xác định giá đất ở các dự án là rất quan trọng, nhưng cũng rất thận trọng để đảm bảo tính pháp lý. Tuy nhiên, ông Thiều nhận định việc ban hành bảng giá đất thời gian qua là chậm và yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường làm nhanh. Nếu cần thiết, UBND tỉnh sẽ đề nghị HĐND tỉnh họp chuyên đề để giải quyết nhanh khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân.

Muốn làm nhà ở xã hội phải chờ

Kiến nghị tới lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Hoài Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Phúc Lộc Thọ - chủ đầu tư Khu dân cư Hoài Phong (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, được UBND tỉnh phê duyệt năm 2000) - cho biết: Công ty này đang có kế hoạch mở rộng phía sau Khu dân cư Hoài Phong để làm nhà ở xã hội theo đề án 1 triệu căn hộ được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3.4.2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng doanh nghiệp muốn làm nhà ở xã hội cần phải chờ địa phương thông qua các bước thủ tục về đất đai. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Phong đề nghị UBND huyện Vĩnh Lợi sớm ban hành quy hoạch chi tiết 1/500 và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. "Làm cách nào, liên hệ với ai để chúng tôi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ gói 120.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP? Đối tượng được hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội thì tiếp cận ở đâu, thủ tục như thế nào?", ông Phong hỏi.

Trả lời về đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, ông Huỳnh Quốc Ca, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu cho biết, Chính phủ đã phân bổ 1.900 căn nhà ở xã hội tại Bạc Liêu, trong đó năm 2024 là 200 căn.

Trên 60 doanh nghiệp cà phê, ăn sáng cùng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu ngày 1.4. Ảnh: Nhật Hồ

Theo ông Ca, để tiếp cận vốn vay ưu đãi 120.000 tỉ đồng về nhà ở xã hội, trước tiên chủ đầu tư phải có dự án được phê duyệt. Để có dự án được phê duyệt thì phải có quy hoạch, có kế hoạch sử dụng đất phù hợp. Đồng thời, chủ đầu tư phải lập dự án được phê duyệt và kết nối với ngân hàng nhà nước là đầu mối để có kế hoạch phân bổ, hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Được hỏi ý kiến sau khi Sở Xây dựng trả lời, ông Phong đề nghị cần trả lời thời gian cụ thể chứ không phải chờ quy hoạch, chờ phê duyệt,... thì biết chờ tới khi nào. Về nguồn vốn, ông Phong đề nghị trả lời cụ thể nguồn nào, ở đâu, gặp ai để doanh nghiệp biết để tiếp cận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn