MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn nhà của gia đình ông Nguyễn Ngọc Kỳ (sinh sống ở ngõ 102 Trường Chinh, Hà Nội). Ảnh: Thu Giang

2 thế hệ sinh sống trong căn nhà siêu nhỏ 8m2 ở Hà Nội

Thu Giang LDO | 29/03/2024 06:16

Sau khi bị thu hồi đất để mở rộng đường, gia đình ông Nguyễn Ngọc Kỳ (sinh sống ở ngõ 102 Trường Chinh, Hà Nội) đến nay vẫn phải bám trụ lại trong căn nhà chỉ còn vỏn vẹn 8m2.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, năm 2004, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Dự án mở rộng ngõ 102 Trường Chinh (quận Đống Đa, Hà Nội) để thuận tiện cho việc di chuyển từ đường Lương Định Của ra đường Trường Chinh.

Sau nhiều năm chậm tiến độ, đến năm 2023, dự án này mới cơ bản hoàn thành do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Vướng mắc đền bù, gia đình ông Nguyễn Ngọc Kỳ (sinh sống ở ngõ 102 Trường Chinh, Hà Nội) đã phải bám trụ lại trong căn nhà chỉ còn vỏn vẹn 8m2. Ảnh: Thu Giang

Là hộ dân chưa thể di dời, phải sinh sống trong căn nhà siêu mỏng, ông Nguyễn Ngọc Kỳ (sinh sống ở ngõ 102 Trường Chinh) chia sẻ, năm 1991, ông được Nhà máy cơ khí Nông nghiệp 1 Hà Nội bố trí mảnh đất tại ngõ 102 Trường Chinh để sinh sống.

Trước đây, gia đình ông sở hữu hơn 63m2 nhưng sau khi bị thu hồi để mở rộng đường, đến nay chỉ còn lại vỏn vẹn 9m2 đất sử dụng. Do số tiền đền bù năm 2018 quá thấp, chỉ có 68 triệu đồng, với phần diện tích đất 9m2 còn lại, ông Kỳ buộc phải xây dựng căn nhà ở tạm 8m2, 1m2 còn lại để làm nơi chứa đồ.

Dù có diện tích vỏn vẹn 8m2 thế nhưng gia đình ông Kỳ đã phải sắp xếp, bố trí đồ đạc cho 2 thế hệ sinh sống. Ảnh: Thu Giang

Dù có diện tích vỏn vẹn 8m2 thế nhưng gia đình ông Kỳ đã phải sắp xếp, bố trí đồ đạc ngăn nắp cho 2 thế hệ sinh sống. Phần tầng 1, ông làm phòng khách, nơi nấu ăn, sửa chữa xe máy, tầng 2 làm nhà vệ sinh, phòng ngủ của bố con.

Ông Kỳ kể, căn nhà chật hẹp, con gái của ông mới đây đã phải thuê trọ ở ngoài. Còn con trai lớn đã hơn 30 tuổi nhưng vẫn chưa nghĩ đến việc xây dựng gia đình.

"Khi giải phóng mặt bằng, mở rộng đường trong ngõ 102 Trường Chinh, gia đình tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 căn hộ tái định cư với giá hơn 1,2 tỉ đồng.

Điều đáng nói, sau khi trừ đi số tiền 68 triệu đồng được hỗ trợ đền bù năm 2018, gia đình tôi phải nộp thêm hơn 1,1 tỉ đồng mới có thể nhận căn hộ tái định cư. Do số tiền phải nộp quá lớn, tôi đã không chấp thuận nhận nhà và đã gửi đơn khiếu nại lên Tòa án Nhân dân TP Hà Nội từ năm 2022 để đòi quyền lợi" - ông Nguyễn Ngọc Kỳ nói.

Phòng ngủ chật chội bố trí ở tầng 2 trong căn nhà chỉ có 8m2 (ngõ 102 Trường Chinh, Hà Nội). Ảnh: Thu Giang

Trước thông tin về trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Kỳ, trao đổi với PV, đại diện UBND phường Phương Mai xác nhận có hỗ trợ số tiền hơn 68 triệu đồng nhưng ông Kỳ vẫn chưa nhận.

Đại diện UBND phường Phương Mai cho rằng, phần diện tích đất của ông Kỳ đang trên diện tích đất của tòa chung cư ở ngõ 102 Trường Chinh nên mong muốn chủ đầu tư tòa chung cư và ông Kỳ sớm tìm được tiếng nói chung về phần diện tích đất còn lại, có phương án đền bù, hỗ trợ thích hợp.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - nhận định, với diện tích nhỏ hẹp, kết cấu của những căn nhà siêu nhỏ, siêu méo sẽ không đảm bảo an toàn, không phù hợp với cảnh quan, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy...

Chuyên gia cho rằng, do chưa thể thương lượng, giải quyết được nên người dân phải bám trụ, duy trì cuộc sống ở những căn nhà siêu mỏng, siêu méo.

Các cơ quan quản lý Nhà nước có thể cân nhắc, đền bù cho người dân thỏa đáng, đưa người dân về khu tái định cư phù hợp để họ có điều kiện đảm bảo cuộc sống, xóa tình trạng xây dựng nhà siêu mỏng trên địa bàn Thủ đô...

Căn nhà siêu nhỏ của ông Kỳ làm nơi chứa đồ đạc. Ảnh: Thu Giang

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn