MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉ lệ dư nợ bất động sản chiếm khoảng 20% dư nợ tín dụng toàn hệ thống trong năm 2022. Ảnh: Phan Anh

2023 là năm sống còn với doanh nghiệp bất động sản

Đức Mạnh LDO | 11/02/2023 14:30
Dự báo 2023 là năm quyết định sống còn đối với các doanh nghiệp bất động sản nếu không được hỗ trợ giải quyết nút thắt về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản. Doanh nghiệp bất động sản mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn khó khăn. 

Lo không tiếp cận được vốn ngân hàng

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45 - 50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng. Nguyên nhân là hầu như không có người mua nên doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền. Thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng "chết trên đống tài sản".

Dự báo 2023 là năm quyết định sống còn đối với các doanh nghiệp bất động sản nếu không được hỗ trợ giải quyết nút thắt về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản. HoREA cho rằng, có một số quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoặc quy định riêng của các ngân hàng thương mại cần được xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay.

"Cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ là cực kỳ quan trọng. Các doanh nghiệp sợ không phải lãi suất cao mà không được tiếp cận vốn ngân hàng" - Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nói.

Cụ thể, nhiều ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải có Giấy phép xây dựng đã làm khó cho doanh nghiệp bất động sản và không nằm trong điều kiện để được vay vốn tín dụng.

Thông tư 08/2020/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa nguồn vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm để cho vay trung dài hạn theo tỉ lệ từ ngày 1.10.2022 đến ngày 30.9.2023 là 34%, từ ngày 1.10,2023 là 30%. Điều này đã dẫn đến hệ quả các tổ chức tín dụng càng bị giảm nguồn vốn tín dụng cho vay trung dài hạn.

HoREA đề nghị NHNN xem xét áp dụng tương tự các giải pháp rất thiết thực và hiệu quả của Thông tư 14/2021/TT-NHNN (hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19) để áp dụng cho các doanh nghiệp bất động sản năm 2023.

Đồng thời NHNN cân nhắc ban hành Thông tư (mới) tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12 - 24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm.

Mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp 

Trước những vướng mắc từ không chỉ HoREA và còn cả nhiều doanh nghiệp khác, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Ngân hàng Nhà nước không có chỉ đạo siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản mà là kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số lĩnh vực, phân khúc có tỉ lệ rủi ro cao trong bất động sản, doanh nghiệp có tính chất đầu cơ từ đó có thể gây ra tình trạng bong bóng hay đóng băng thị trường. Chúng tôi cần kiểm soát chặt vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cả hệ thống và nền kinh tế.

Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản đều là quan hệ cộng sinh. Hai bên cùng hợp tác chia sẻ để tháo gỡ khó khăn chung. Mối quan hệ này được ví như chung một chiếc thuyền, thuyền chìm thì doanh nghiệp chìm, ngân hàng cũng chìm. Thuyền chạy nhanh, doanh nghiệp thắng lợi, ngân hàng thắng lợi".

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Các ngân hàng chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà, tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau. Nếu tín dụng tập trung vào các doanh nghiệp là sân sau với mức độ tập trung lớn sẽ rất rủi ro".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn