MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng loạt cao ốc mọc sát đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè). Ảnh: Anh Tú

4 huyện ở TPHCM định hướng lên thành phố, riêng huyện Nhà Bè lên quận

MINH QUÂN LDO | 02/06/2022 16:08

TPHCM – Các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ được định hướng phát triển lên thành phố thuộc TPHCM. Riêng huyện Nhà Bè định hướng thành quận đô thị vệ tinh.

Ngày 2.6, UBND TPHCM tổ chức hội nghị triển khai các đề án khoa học (đề cương chi tiết đề án nhánh) thuộc Đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030. 

Các đề án nhánh, gồm: kinh tế đô thị; văn hóa đô thị; hạ tầng đô thị; con người đô thị; quản lý nhà nước.

Tại hội nghị, lãnh đạo 5 huyện cũng đã thông tin định hướng quy hoạch, phát triển đô thị tương lai sau khi chuyển huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM. Theo đó, các huyện định hướng lên thành phố thuộc TPHCM gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ.

Cụ thể, huyện Cần Giờ sẽ là thành phố xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Huyện Củ Chi phát triển đô thị sinh thái thông minh, phát triển các khu du lịch sinh thái ven sông; xây dựng, phát triển các trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

Huyện Hóc phát triển thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp; phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển ngành logistics…

Huyện Bình Chánh sẽ đột phá phát triển về hạ tầng, doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm chủ lực…

Riêng huyện Nhà Bè định hướng phát triển thành quận đô thị vệ tinh.

Huyện Nhà Bè định hướng phát triển thành Thành phố xanh. Ảnh: Anh Tú

Đối chiếu các tiêu chí khi chuyển từ huyện thành quận hoặc thành phố trên các yếu tố về dân số, diện tích, trình độ phát triển kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng thì Bình Chánh dẫn đầu trong 5 huyện với 26/30 tiêu chí, Nhà Bè và Củ Chi đạt 23 tiêu chí, Hóc Môn đạt 22 tiêu chí và thấp nhất là Cần Giờ đạt 19 tiêu chí.

Tại hội nghị, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ, chỉ ra thách thức khi chuyển 5 huyện thành quận đòi hỏi nguồn lực rất lớn, trong bối cảnh ngân sách thành phố đang gặp khó khăn thì việc xây dựng mô hình khả thi, có tính thực tế cần thời gian nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp đột phá, sáng tạo và phù hợp, tối ưu nhất.

Ông Hưng cho rằng mỗi mô hình cần căn cứ vào luận cứ khoa học thực tiễn của từng địa phương để xem xét lựa chọn phù hợp chứ không thực hiện một cách đại trà, đồng loạt. Thay vào đó, cần có bước đi và lộ trình phù hợp để tập trung nguồn lực, đảm bảo hiệu quả và an toàn, tránh xáo trộn bộ máy, nhân lực.

Theo TS Dư Phước Tân - Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), hiện nay các huyện ngoại thành thu hút lượng lớn dân cư đến sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, do chưa chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị kịp thời nên dẫn đến chất lượng sống của người dân vẫn còn thấp.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Tân cho rằng, bên cạnh đầu tư hạ tầng, kinh tế, bộ máy hành chính đô thị cần có chiến lược tập trung xây dựng, định hình lối sống đô thị, con người đô thị ở 5 huyện ngoại thành.

Bên cạnh đó, cung cấp tốt các loại hình dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế chăm sóc sức khoẻ, giao thông, thu gom rác thải… nhằm nâng cao chất lượng sống người dân.

Theo quy trình, sau khi hoàn thiện các đề án nhánh, UBND TPHCM sẽ xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương chọn phương án chuyển huyện thành quận (hoặc thành phố trực thuộc TPHCM).

Ở các bước tiếp theo, sẽ bổ sung định hướng vào điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM, Chương trình phát triển đô thị quốc gia, Chương trình phát triển đô thị TPHCM.

Tiếp đó, lập kế hoạch khắc phục các tiêu chí chưa đạt, hoàn thiện công tác quy hoạch chung, hoàn thiện đề án thành lập quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn