MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dân cư căng băng rôn phản đối chủ đầu tư.

5 năm ròng phải sử dụng nước nhiễm độc, 3.000 dân Tân Tây Đô đối diện nguy cơ ung thư

Phan Anh - Thùy Dung LDO | 03/08/2018 15:35

Trong nhiều ngày qua, một loạt các tòa nhà thuộc khu đô thị mới Tân Tây Đô do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư đã phủ một “màu đỏ” bởi băng rôn yêu cầu chủ đầu tư cấp phát nước sạch.

Nước nhiễm asen gấp 3 lần

Asen là một á kim có màu xám bạc, rất độc khi ở dạng hợp chất. Trong tự nhiên, Asen nằm ở lớp trầm tích của vỏ trái đất do vậy nó thường có mặt trong các tầng nước ngầm và nước bề mặt.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế: Asen là một chất độc, độc gấp 4 lần thủy ngân. Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và liên minh Châu Âu (EU) công nhận là các chất gây ung thư nhóm 1”.

Chuyển về sống tại khu đô thị Tân Tây Đô từ năm 2014, ông Nguyễn Văn Thuận (56 tuổi) không ngờ lại rơi vào tình cảnh khóc dở mếu dở như hiện tại. Giữa thủ đô, 4 năm nay ông Thuận vẫn phải dùng nguồn nước sinh hoạt bẩn vàng, sủi bọt và độc hại.

“Nước ở đây đun sôi lên có mùi tanh tanh của đất. Tôi mua thịt về luộc, miếng thịt cứ đỏ đi. Kêu thì kêu nhiều lắm rồi, chưa giải quyết thì tôi chỉ còn cách ăn thôi chứ biết làm sao!”, ông Thuận lắc đầu.

Bế trên tay đứa cháu nhỏ mới 5 tháng tuổi, bà Nguyễn Thị Mai (60 tuổi, sống tại khu đô thị Tân Tây Đô) cũng lắc đầu tỏ chán nản trước những khó khăn mà bà cùng gia đình phải trải qua khi về sống ở đây. Giống như mọi gia đình khác, bà đã phải trang bị hai hệ thống lọc nước, thế nhưng cả nhà vẫn không dám dùng nước ở đây để ăn uống.

"Tôi già rồi, nhưng các cháu còn nhỏ, dùng nước này khác gì đầu độc đâu?”, bà Mai giọng xót xa vì thương cháu.

Cũng theo phản ánh của cư dân, nước sinh hoạt mà họ sử dụng có hàm lượng asen cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tình trạng này đã diễn ra suốt nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

 Mỗi hộ dân sinh sống tại đây đều tự trang bị những hệ thống lọc nước riêng để giảm thiểu ảnh hưởng của nước với sức khỏe.
Nhiều người cho biết, dù đã lọc nhiều lần nhưng nước ở đây vẫn thường xuyên có cặn và nhìn thấy được bằng mắt thường.

Mới đây, trong giấy công bố kết quả thử nghiệm mẫu nước lấy tại căn hộ 2414- chung cư HHB (mẫu nước lấy ngày 29.9.2017) của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (QUATEST 1) cho thấy rõ, hàm lượng Asen trong nước là 0,03 mg/L. Như vậy, hàm lượng Asen này cũng vượt “chuẩn” nước sinh hoạt theo Thông tư 04/2009/TT-BYT của Bộ Y tế là 3 lần.

Kêu cứu trong vô vọng

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Thu, thành viên ban quản trị CT2A-B cho biết: “Nhiều năm nay (từ năm 2014) cư dân chúng tôi đã gửi đơn đi khắp nơi, từ cấp huyện đến văn phòng Chính phủ. Mặc dù Văn phòng Chính phủ, UBND TP cũng đã chỉ đạo xuống các ban ngành và huyện Đan Phượng, nhưng chưa cơ quan chính quyền nào giải quyết được triệt để tình trạng này cho dân”.

 Sau thời gian dài sống với nước bẩn, người dân đã quyết định treo băng rôn phản đối.

Cũng theo bà Thu, sau nhiều lần kêu cứu, chủ đầu tư cũng nhiều lần hứa sẽ liên hệ với đường dây đấu nối nước sông Đà do Công ty cổ phần Tây Hà Nội đầu tư, đi qua khu đô thị Tân Tây Đô để cấp nước cho cư dân, phía UBND xã Tân Lập cũng có cam kết sẽ đồng hành cùng người dân, đảm bảo người dân được hưởng mọi quyền lợi. Thậm chí, Công ty cổ phần Tây Hà Nội ra một dự toán để đưa nguồn nước  sạch vào khu đô thị.

Thế nhưng, 5 năm trôi qua, người dân vẫn phải đóng tiền để dùng nước bẩn và phát sinh thêm tiền mua nước đóng chai để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Sự việc cư dân phải tự mình đứng lên vận động nhau tổ chức treo băng rôn đêm ngày 26.7.2018 là giọt nước tràn ly, thể hiện sự bất lực vì phải mòn mỏi chờ đợi nước sạch của người dân.

Khu đô thị Tân Tây Đô có diện tích 25ha, tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, do Công ty Cổ phần Tuấn Quỳnh và Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Xây Dựng Và Thương Mại Thành Nhân làm chủ đầu tư.

Năm 2009, công ty cổ phần đầu tư Hải Phát - Hải Phát Invest mua lại của Công ty Cổ phần Tuấn Quỳnh 16.072 m2 trong tổng số 25ha của khu đô thị, để xây dựng 3 tòa nhà: HHB, CT2A, CT2B.

Năm 2014, 3 tòa nhà do Hải Phát đầu tư chính thức đi vào hoạt động. Kể từ đó, cư dân sống tại đây liên tục phản ánh các vấn đề xảy ra xung quanh các tòa nhà.

Phóng viên đang tiếp tục liên lạc với chủ đầu tư Hải Phát để tìm hiểu về sự việc này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn