MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trường dự án Vành đai 2 hoang phế nhiều năm, trở thành nơi chăn bò của người dân. Ảnh: Minh Quân

7 năm chưa làm xong 2,7km đường vành đai ở TPHCM

MINH QUÂN LDO | 11/03/2024 18:45

TPHCM – Khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành sau 2 năm, nhưng đến nay 2,7km đường Vành đai 2 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, TP Thủ Đức) mới đạt gần 44% khối lượng và tạm ngưng thi công 4 năm qua.

Đường vành đai nghìn tỉ thành nơi chăn bò

Ngày 11.3, phóng viên Lao Động đến đường Cây Keo (phường Tam Bình, TP Thủ Đức) hỏi về công trường dự án Vành đai 2 TPHCM, người dân quanh khu vực ai cũng biết. Có người thì tưởng là đơn vị thi công đến nên chạy lại hỏi dò về tiến độ.

Bên trong công trường, cỏ cây mọc um tùm khắp hai cây cầu đang được xây dựng dang dở. Đường trong khu này là đường đất nhỏ, cũng là nơi người dân chăn thả bò.

Dọc theo con đường này hướng về cầu vượt Gò Dưa (đoạn kết nối với Quốc lộ 1) cũng có một công trường thuộc dự án này đang bị hoang hóa, cũ kỹ, do thời gian thi công đình trệ lâu.

Phần cầu cạn đang xây dang dở của dự án Vành đai 2, sắt thép đã hoen gỉ sau thời gian dài phơi nắng mưa. Ảnh: Minh Quân

Theo người dân khu vực, việc dự án được quy hoạch đã mười mấy năm nhưng vẫn chưa làm xong gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân. Đồng thời, nhiều người vô ý thức đã "biến" công trình dự án này thành nơi đổ rác thải.

Anh Nguyễn Khải (ngụ TP Thủ Đức) cho biết: “Nhà tôi có 1.000 m2 đất thuộc diện quy hoạch, thế nên mười mấy năm nay không làm ăn được gì cả. Vì đã nằm trong diện quy hoạch nên bán cũng chẳng được mà ở lại cũng không xong. Hiện tại, khu đất không khác gì rừng hoang, cỏ cây mọc um tùm. Tôi mong ngóng từng ngày các cơ quan thẩm quyền làm cho xong dự án Vành đai 2”.

Một số đoạn trên công trường trở thành điểm đổ rác, xà bần của người dân trong khu vực. Ảnh: Minh Quân

Vành đai 2 TPHCM được quy hoạch cách đây 16 năm, dài hơn 64km. Đây là tuyến chạy qua các quận, huyện vùng ven giúp giảm quá tải cho khu vực trung tâm thành phố. Hiện toàn tuyến còn 14km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn.

Trong đó, công trường bỏ hoang trên thuộc đoạn 3 dài hơn 2,7km, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) thi công từ năm 2017.

Theo thiết kế, tuyến được giải phóng mặt bằng với bề rộng 67 m, giai đoạn một làm đường song hành hai bên, mỗi bên rộng 10,5 m cho 6 làn xe. Phần giữa chưa xây dựng mà dự trữ cho giai đoạn sau.

Công trình được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn hơn 2.700 tỉ đồng, bao gồm giải phóng mặt bằng. Dự án dự kiến hoàn thành sau 2 năm nhưng tạm dừng thi công từ tháng 3.2020 đến nay, khi đạt gần 44% khối lượng.

Các đường cống thoát nước cỡ lớn chất đống trên công trường. Ảnh: Minh Quân

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến công trường đình trệ. Đầu tiên là phải tiến hành rà soát các thủ tục điều chỉnh dự án. Thứ hai vì giải phóng mặt bằng triển khai chậm. Cuối cùng là vướng mắc trong thủ tục thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư.

Đàm phán lại hợp đồng

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (nhà đầu tư), trong 7 năm qua kể từ khi ký kết hợp đồng, nhà đầu tư đã giải ngân đạt 1.474 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Tương ứng với giá trị đó, giá trị lãi vay (tính đến tháng 12.2023) ước tính TPHCM sẽ phải chịu là hơn 813 tỉ đồng. Trung bình mỗi tháng chậm trễ sẽ phát sinh khoảng 14,9 tỉ đồng.

Tháng 1.2024, UBND TPHCM đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến năm 2026 (trước từ năm 2015 đến 2023).

Toàn cảnh công trường Vành đai 2 nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Quân

Đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết đang chuẩn bị các nội dung, phối hợp với tổ công tác liên ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét đàm phán điều chỉnh hợp đồng dự án đã ký kết.

Sở GTVT TPHCM đã đề nghị doanh nghiệp dự án rà soát các quy định tại hợp đồng dự án đã ký kết và có văn bản đề xuất, thuyết minh làm rõ các nội dung điều chỉnh hợp đồng BT. Đồng thời, kèm theo toàn bộ các tài Iiệu có liên quan và dự thảo phụ lục điều chỉnh hợp đồng gửi về Sở GTVT.

Theo quy trình, sau khi nhà đầu tư và sở ngành TPHCM đàm phán xong sẽ tới bước ký phụ lục hợp đồng BT.

Song song với tiến trình đàm phán, hiện nay TPHCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình thanh toán hợp đồng BT áp dụng theo cơ chế trong Nghị quyết 98.

Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho phép thành phố thu hồi và thực hiện các thủ tục giao đất cho nhà đầu tư. UBND TPHCM trước đó tính dùng 4 khu đất ở Quận 1, 3, 10, Bình Tân để thanh toán cho nhà đầu tư.

Dự án Vành đai 2 TPHCM thi công 7 năm chưa xong, mỗi tháng phải trả lãi gần 15 tỉ đồng. Ảnh: Minh Quân

Theo Công ty Văn Phú Bắc Ái, khi các thủ tục điều chỉnh dự án hoàn tất và được thanh toán quỹ đất, doanh nghiệp sẽ khởi động thi công trở lại. Dự kiến cần khoảng 18 tháng kể từ thời điểm thi công trở lại để hoàn thành dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn