MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng của TPHCM chậm tiến độ hơn một năm có một phần nguyên nhân vì vướng mặt bằng. Ảnh: Minh Quân

Áp dụng cơ chế đặc thù khơi thông điểm nghẽn giải phóng mặt bằng

MINH QUÂN LDO | 29/04/2020 06:59
Thời gian qua, rất nhiều dự án trọng điểm của TPHCM đã phải chậm tiến độ và chịu thiệt hại do khâu giải phóng mặt bằng chậm trễ. Tuy nhiên, mới đây Chính phủ cho phép UBND TPHCM áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng được kỳ vọng sẽ tạo đột phá để đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng tại TPHCM trong thời gian tới.

Nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ vì mặt bằng

Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được phê duyệt từ năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 26.000 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh lên hơn 47.890 tỉ đồng. Sau 10 năm triển khai, chỉ 1 trong 8 gói thầu của dự án được hoàn thành là gói thầu CP1 - xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương, 7 gói thầu còn lại vẫn chưa ký hợp đồng. Dù đã quá chậm nhưng hiện tại, dự án metro số 2 vẫn tiếp tục “giẫm chân tại chỗ” do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi tuyến metro số 2 là 602 hộ, trong đó 121 hộ bị ảnh hưởng toàn phần, 481 hộ bị ảnh hưởng một phần. Đến nay, mới có 108 hộ nhận tiền đền bù và chỉ 53 hộ bàn giao mặt bằng.

Tương tự, tuyến đường Vành đai 2 có chiều dài hơn 64km, quy mô từ 6-10 làn xe. Tuy nhiên, tuyến đường này hiện vẫn dở dang bởi còn khoảng 11km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn. Trong đó, hiện chỉ có đoạn 3 - từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức), dài khoảng 2,7km - đang thi công. Dù vậy, tính từ thời điểm động thổ cuối năm 2015 đến nay, tổng khối lượng xây lắp của đoạn này mới đạt khoảng 54%, trong khi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bị hàng loạt vướng mắc. Riêng 3 đoạn còn lại hiện vẫn ngổn ngang và UBND TPHCM sắp tới sẽ chuyển qua chủ trương đầu tư công, sử dụng ngân sách để gấp rút đầu tư.

Trong khi đó, nhiều dự án cấp bách “giải cứu” kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) dù lên kế hoạch triển khai cách đây vài năm nhưng nay vẫn còn nằm trên giấy vì vướng mặt bằng. Trong đó, hai dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và mở rộng đường Cộng Hòa, tuy đã chọn được nhà thầu nhưng vẫn đang chờ UBND quận Tân Bình bàn giao mặt bằng để triển khai. Hay như hai dự án mở rộng đường Trường Chinh và mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý, hiện nay Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) đã phê duyệt dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM đã lập thiết kế và đang chờ UBND quận Tân Bình bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa vẫn đang lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, chờ báo cáo HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư.

Rút ngắn nhiều công đoạn

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM, sau khi Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9.3.2020 của Chính phủ ban hành, sở đã lấy ý kiến quận - huyện, tiếp đó tổng hợp, điều chỉnh và trình UBND TPHCM xem xét, quyết định để triển khai. Theo đó, quận, huyện thống nhất sẽ thực hiện việc đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất trong tháng 5.2020 để Sở TNMT trình thành phố ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vào tháng 6 năm nay.

Ông Thắng cho biết, mới đây UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương thực hiện xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân khi Nhà nước thu hồi đất theo báo cáo, kiến nghị của sở. Đồng thời, UBND TPHCM giao sở tham mưu UBND TPHCM ban hành quy chế phối hợp thực hiện, hướng dẫn UBND quận, huyện thực hiện, đảm bảo đúng quy định tại Nghị quyết số 27 về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TPHCM.

Trước đây, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt hệ số giá điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của một dự án phải qua 10 bước. Thời gian để thực hiện là sau 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày với đất ở. Thời gian thực hiện thường kéo dài, gây chậm trễ tiến độ của dự án. So với quy trình trước đây, cơ chế, quy trình đặc thù sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian và chỉ còn một công đoạn phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ. “Nếu thực hiện tốt, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có thu hồi đất trên địa bàn TPHCM sẽ rút ngắn, việc triển khai dự án nhanh hơn, đảm bảo triển khai đúng tiến độ, giảm phát sinh kinh phí do chậm tiến độ” - ông Thắng chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn