MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nỗi ám ảnh của người dân là tắc đường. Ảnh Hải Nguyễn

Áp lực đè nặng trục đường Lê Quang Đạo: Hệ quả nặng nề với hạ tầng xã hội

NHÓM PV LDO | 26/06/2022 06:00

Không chỉ quy hoạch không tốt, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng còn chỉ ra nhiều bất cập trong việc cấp phép xây dựng của cơ quan chức năng TP.Hà Nội là Sở Xây dựng, UBND các quận trên các tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình và khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (TP.Hà Nội).

Tùy tiện cấp phép, quá tải dân số

Ghi nhận của PV trong những buổi sáng gần đây thậm chí là ngày nghỉ cuối tuần, cũng không phải khung giờ cao điểm, song trên tuyến đường Lê Văn Lương, các phương tiện ken đặc, di chuyển trong làn đường nhỏ hẹp để nhích từng cm. Những chiếc xe buýt nhanh rất khó khăn len lỏi vào làn đường riêng.

Hậu quả này có lẽ điều dễ nhận thấy nhất là chính quyền sở tại cấp sai phép, không phép thậm chí chạy theo đề xuất của chủ đầu tư, nhiều dự án điều chỉnh từ 5 tầng lên 30 tầng. Hay vi phạm nghiêm trọng quy hoạch, không tuân thủ quyết định của Thủ tướng…

Mới đây, kết luận thanh tra số 39 của Bộ Xây dựng vừa ban hành khiến nhiều người Hà Nội ngã ngửa. Theo kết luận Thanh tra, Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng (GPXD) có một số nội dung sai quy định pháp luật.

Cụ thể, có 12 GPXD không có nội dung màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, cấp cốt xây dựng công trình không có cơ sở; 3 GPXD cấp không phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt, tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật được chấp thuận; 9 GPXD cấp phần hầm vượt chỉ giới xây dựng vi phạm luật Xây dựng 2014; 2 GPXD ghi số tầng không đúng với quy chuẩn xây dựng.

 Thanh tra Bộ Xây dựng đã vạch ra nhiều sai phạm của dự án trên trục đường Lê Văn Lương. Ảnh Hải Nguyễn

Ngoài Sở Xây dựng, có nhiều quận trên địa bàn đã vi phạm, cấp giấy phép không đúng. Trong đó, UBND quận Thanh Xuân, cấp 10 GPXD không đúng về diện tích sàn, chiều cao công trình. UBND quận Hà Đông cấp 10 GPXD tại điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc sai hệ số sử dụng đất, chiều cao tầng so với quy hoạch chi tiết được duyệt…

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, tại dự án khu hỗn hợp văn phòng cho thuê - nhà ở ô đất 3.10-NO do liên danh Hadico và Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội là chủ đầu tư, UBND TP.Hà Nội điều chỉnh quy hoạch 3 lần, Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh 1 lần sai quy định pháp luật.

Trong 4 lần điều chỉnh đã "biến" từ đất ở thành văn phòng, thương mại (2008), sau đó thành hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (năm 2012). Sau điều chỉnh, đã làm tăng tầng cao từ trung bình 6,5 tầng lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh tăng dân số 754 người.

Còn tại cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp với văn phòng và siêu thị tại ô đất có ký hiệu 2.5HH đường Lê Văn Thiêm, UBND TP Hà Nội 1 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 3 lần điều chỉnh sai quy định, đã điều chỉnh tầng cao từ trung bình 6,5 tầng thành 25 tầng, điều chỉnh tăng số căn hộ từ 352 thành 740 căn, dân số tăng từ 2.112 người lên 2.652.

Tương tự, tại dự án HAAC1 Time Tower do Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội là chủ đầu tư, cơ quan thanh tra cũng phát hiện đã điều chỉnh tăng tầng cao từ trung bình 7,2 tầng thành 25 tầng, mật độ xây dựng từ 56,7% lên 59,53%, tăng thêm dân số (tạm tính) 680 người.

Tại dự án tòa nhà hỗ hợp văn phòng và căn hộ chung cư do Công ty CP Xây dựng Licogi 19 là chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng cho biết, các đơn vị đã điều chỉnh chức năng ô đất từ đất cơ quan sang hỗn hợp, tăng tầng cao từ 8 tầng thành 25 tầng, tăng thêm dân số 648 người.

Xây nhà "quên" xây trường, trạm y tế

Kết luận thanh tra cho thấy, quy hoạch hai bên đường Lê Văn Lương được phê duyệt năm 2016 có một số chỉ tiêu quy hoạch không đúng quy chuẩn xây dựng mà không thuyết minh, tính toán.

Cụ thể, việc bố trí vườn hoa, sân chơi trong các nhóm nhà với bán kính phục vụ không lớn hơn 300m; không bố trí trạm y tế, sân luyện tập, chợ, trường THPT, THCS, tiểu học. Ngoài ra, đất công trình giáo dục không đạt 2,7m2/người, diện tích đất trường mầm non thiếu hơn 12.000m2, diện tích cây xanh công cộng đơn vị ở thiếu gần 35.000m2.

Trong số 13 dự án nhà chung cư được thanh tra ở khu vực Lê Văn Lương, có 12 dự án không bố trí cây xanh, một dự án cùng ô quy hoạch với trường học thiếu diện tích cây xanh, chỉ đạt 10%.

Xây nhà “quên” xây trường học, trạm y tế. Ảnh Hải Nguyễn

Kết luận cũng nêu rõ, các dự án chung cư mọc lên dày đặc ở hai bên đường Tố Hữu nhưng không bố trí trạm y tế, THCS, sân luyện tập, chợ theo quy chuẩn xây dựng. Ngoài ra, đất công trình giáo dục không đạt 2,7m2/người theo quy định, diện tích đất trường mầm non thiếu hơn 20.000m2; đất trường tiểu học thiếu gần 16.000m2; đất trường THPT thiếu khoảng 5.500m2.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho rằng, ở góc độ doanh nghiệp thì chủ đầu tư nào cũng muốn xây cao tầng để có cơ hội gia tăng lợi nhuận. Trong khi đó, thực trạng điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, để lại hậu quả lớn về hạ tầng xã hội: Giao thông thì tắc đường, mở thêm đường vẫn tắc vì dân số quá đông, với gần 10 triệu người ở Hà Nội, lượng phương tiện gia tăng nhanh.

Hệ thống giao thông công cộng không phát triển kịp, tắc đường là khó tránh. Mặt khác, quy hoạch lỗi còn gây ra tình trạng thiếu trường học, lớp đông; chất lượng y tế chăm sóc sức khỏe người dân kém; ô nhiễm trường gia tăng, khó khắc phục…

Theo giới chuyên gia, để giải quyết được bài toán quy hoạch đô thị của Hà Nội thì cần hoàn thành việc quy hoạch các khu đô thị vệ tinh càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, cần xác định rõ về xu hướng không phát triển đô thị nén mà đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng từ ngoại ô vào nội đô cũng được nhiều nước triển khai. Người dân sống ở ngoại thành, làm việc ở nội thành vừa có chất lượng cuộc sống cao, vừa giảm áp lực lên hạ tầng đô thị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn