MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong một căn hộ dự án nhà ở xã hội Viglacera (Yên Phong, Bắc Ninh). Ảnh: Trần Tuấn

Bắc Ninh tìm giải pháp cho 1.500 căn nhà ở công nhân không có người mua

Trần Tuấn LDO | 12/04/2024 07:17

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện còn 1.500 căn nhà ở xã hội dành cho công nhân bị ế do vướng mắc về đối tượng được mua. Địa phương đang tìm hướng tháo gỡ cho vấn đề này.

Dự án nhà ở công nhân vắng người mua

Dự án nhà ở xã hội Lan Hưng (thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Lan Hưng làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2019, tổng mức đầu là trên 920 tỉ đồng.

Dự án có quy mô 4,5ha, gồm 4 tòa nhà với tổng số 1.400 căn nhà ở công nhân. Mức giá được Sở Xây dựng phê duyệt tại dự án là 12,4 triệu đồng/m2. Tuy vậy, giá chủ đầu tư bán ra cho khách hàng phổ biến ở mức 10 - 11 triệu đồng/m2.

Vợ chồng anh Dương Đình Tôn (sinh năm 1991) là công nhân đang làm việc tại thị xã Thuận Thành. Căn hộ của vợ chồng anh Tôn trong dự án Lan Hưng có diện tích 58m2 với giá 600 triệu đồng. Trong đó, có 30% anh Tôn vay từ Ngân hàng Chính sách với lãi suất là 4,8%/năm.

“Căn hộ 2 phòng ngủ, 1 phòng vệ sinh đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của gia đình gồm vợ chồng và hai con nhỏ. Từ khi an cư, vợ chồng tôi cũng yên tâm làm ăn kinh tế để trả nợ, nuôi con và tích lũy”, anh Tôn nói.

Chị Lê Thị Hiên (sinh năm 1985) là công nhân trong KCN Thuận Thành, sống cùng 2 con nhỏ trong căn hộ rộng 64,6m2 tại dự án Lan Hưng. Chị Hiên cho biết, mua căn hộ tại đây vì giá cả phải chăng, phù hợp với nhu cầu.

Tuy vậy, đó chỉ là 2 trong số rất ít các căn hộ tại dự án đã được bán ra, do vướng mắc về đối tượng được mua.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Vương Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng, chủ đầu tư dự án - cho biết, hiện dự án đã xây dựng xong 2 tòa với tổng số gần 700 căn hộ nhưng mới bán ra được khoảng 90 căn, lý do là bởi chỉ được bán cho đối tượng là công nhân tại thị xã Thuận Thành.

“Rất nhiều người thu nhập thấp, sĩ quan quân đội, công an và công nhân trên địa bàn các huyện, thị lân cận có nhu cầu mua nhà tại dự án nhưng không được phê duyệt trong khi nhiều căn hộ lại bị ế.

Đó là nghịch lý - và doanh nghiệp đã có nhiều văn bản gửi cơ quan Trung ương và tỉnh Bắc Ninh đề xuất mở rộng đối tượng được mua nhà tại dự án là 10 đối tượng theo Nghị định 100” - ông Toàn cho hay.

Hướng dẫn doanh nghiệp mở rộng đối tượng mua, thuê

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết, các dự án trên được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu, theo quy định pháp luật về đầu tư. Trong khi đó, mục tiêu của các dự án là dành cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về trình tự, thủ tục.

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh diễn ra vào ngày 9.4 vừa qua, địa phương cho biết, đã triển khai thực hiện 54 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích đất khoảng 173ha. Các dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 7,1 triệu m2 sàn với hơn 77.000 căn hộ. Trong đó có 28 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Các khó khăn vướng mắc của các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng; mở rộng đối tượng thuê, mua nhà; quy hoạch chi tiết trên địa bàn; các thủ tục hành chính, việc gia hạn tiến độ đầu tư của các dự án đã được phê duyệt;...

Trước vấn đề trên, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đã giao Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, ngành liên quan rà soát, bổ sung dự án và nghiên cứu phương án, hướng dẫn các doanh nghiệp điều chỉnh mục tiêu để mở rộng đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội.

Đồng thời, rà soát các dự án chậm tiến độ, đánh giá năng lực, sự quyết tâm của chủ đầu tư để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn