MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Thu Giang

Bám sát thực tế khi cải tạo loạt khu tập thể cũ "đất vàng"

Thu Giang LDO | 06/10/2023 17:16

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc TP Hà Nội lập hàng loạt quy hoạch cải tạo khu tập thể trong nội đô cần giải quyết những tồn đọng về cơ chế đền bù, bám sát yêu cầu thực tế nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành hàng loạt kế hoạch cải tạo khu tập thể cũ trong nội đô như Nghĩa Tân, Trung Tự, Kim Liên.

Đáng chú ý, các tòa nhà chung cư, tập thể cũ này đang dần xuống cấp theo thời gian, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông Lê Văn Hải (sinh sống ở khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) chia sẻ, những năm qua kết cấu khu nhà đã xuống cấp, hỏng nặng. Cứ mưa xuống là tường nhà ngấm nước nên nhiều hộ dân như ông Hải thường xuyên phải thuê thợ về tận nhà sửa chữa.

"Nhiều gia đình ở đây có từ 2 - 3 thế hệ cùng sinh sống nên buộc họ phải cơi nới chuồng cọp để tăng diện tích sinh hoạt. Người dân như tôi rất mong chính quyền địa phương sớm có phương án cải tạo, sửa chữa khu tập thể, để các hộ dân ổn định cuộc sống" - ông Hải nói.

UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành hàng loạt kế hoạch cải tạo khu tập thể cũ trong nội đô như Nghĩa Tân, Trung Tự, Kim Liên. Ảnh: Thu Giang

Trước thông tin UBND TP Hà Nội dự kiến dành 802 triệu đồng từ ngân sách thành phố để lập quy hoạch cải tạo, xây dựng mới, nhiều người dân sinh sống ở khu tập thể Trung Tự cũng có tâm trạng vừa mừng, vừa lo.

Chị Nguyễn Thị Hoa (sinh sống ở nhà C3, khu tập thể Trung Tự) cho biết, vì khu tập thể nằm trên tuyến phố sầm uất, thuận tiện đi lại nên đa số người dân ở đây đều mong muốn sẽ được hưởng chế độ, chính sách đền bù hợp lý.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Trọng (kinh doanh quán ăn ở khu tập thể Kim Liên) tâm sự, dù khu tập thể đã xuống cấp nhưng công việc kinh doanh ở tầng 1 giúp cho gia đình có nguồn thu nhập ổn định từ 30 - 50 triệu đồng/tháng.

Theo anh Trọng, nếu tiến hành cải tạo khu tập thể Kim Liên, công việc hàng ngày không thể duy trì, gia đình anh cũng không biết phải làm gì để duy trì cuộc sống.

Nhiều hộ dân ở khu tập thể Kim Liên (Hà Nội) đã cơi nới lồng sắt, chuồng cọp để mở rộng diện tích sinh sống. Ảnh: Thu Giang

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay đã có 8 quận, huyện đã tổ chức lựa chọn được đơn vị kiểm định nhà chung cư, tập thể cũ như Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ, Đông Anh, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Ba Đình.

Trao đổi với Lao Động chiều 6.10, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội nhận định, việc xây dựng, cải tạo nhà chung cư, tập thể cũ tại Hà Nội cần bám sát yêu cầu thực tế, từ đó tháo gỡ các vướng mắc, tạo sự đồng thuận của người dân.

Theo ông Điệp, việc cải tạo nhà chung cư, khu tập thể cũ tạo Hà Nội những năm qua đang gặp khó khăn, vướng mắc như thủ tục di dời cư dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, lựa chọn chủ đầu tư cải tạo, chưa thống nhất phương án bồi thường, tái định cư. Trình tự, thủ tục đầu tư còn phức tạp, kéo dài đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tập thể cũ.

Đề cập đến nội dung này, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, sau gần 20 năm thực hiện chủ trương cải tạo chung cư cũ, Hà Nội mới chỉ thực hiện được khoảng 1%.

Ông Nghiêm cho rằng, câu chuyện cải tạo chung cư cũ trên cả nước nói chung và tại Hà Nội nói riêng cần phải có một nghiên cứu tổng kết những tồn tại, hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn. Thậm chí là phải sửa luật nếu cần bởi như cơ chế hiện nay, việc cải tạo chung cư, nhà tập thể cũ càng làm sẽ càng tắc, nếu có kiểm định xong cũng sẽ gặp nhiều vướng khi cải tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn