MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảng giá đất cần thời gian để xây dựng phù hợp với việc sát giá thị trường. Ảnh: Anh Tú

Ban hành bảng giá đất hàng năm sẽ khó khả thi

Bảo Chương LDO | 19/05/2023 14:35

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ TN&MT về việc đề nghị không quy định ban hành bảng giá đất hàng năm mà nên ban hành bảng giá đất định kỳ 2-3 năm một lần trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cụ thể, theo kiến nghị của HoREA, việc ban hành bảng giá đất định kỳ 2-3 năm một lần nhằm luật hóa chủ trương Nghị quyết 18 ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất... nhằm xây dựng hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai, giá đất. Tuy nhiên, để đảm bảo cho giá đất trong bảng giá đất luôn tiệm cận với giá đất trên thị trường thì phải đi đôi với việc tiếp tục quy định các hệ số điều chỉnh giá đất (K). 

HoREA cho rằng, việc quy định ban hành bảng giá đất định kỳ 2-3 năm là phù hợp với thực tiễn trình độ, năng lực của bộ máy hành chính, nhân lực, trang thiết bị công nghệ, phần mềm quản lý hiện nay. Đi đôi với định lượng, công thức hoá, việc định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án bất động sản, nhà ở, đô thị sẽ bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ làm và không gây rủi ro pháp lý cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và người liên quan trong thực thi công vụ. Đồng thời, cần bổ sung quy định các trường hợp áp dụng bảng giá đất và rất cần thiết giao Chính phủ quy định chi tiết thực hiện Điều 155 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Hiện nay, để xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm thì cấp tỉnh phải thực hiện trình tự, thủ tục với nhiều công đoạn và công việc rất chi tiết, phức tạp mất rất nhiều thời gian không dưới 6 tháng, nên việc xây dựng bảng giá đất hàng năm là không khả thi gây quá tải cho chính quyền các địa phương.

HoREA nhận thấy, việc xây dựng bảng giá đất hàng năm sẽ gây quá tải cho chính quyền các địa phương, nhất là sở, phòng TN&MT, Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất địa phương phải "loay hoay" xây dựng, thẩm định bảng giá đất hàng năm và cả UBND, HĐND cấp tỉnh.

Nhiều ý kiến tranh cãi về đề xuất xây dựng bảng giá đất hàng năm. Ảnh: Gia Miêu 

"Nếu quy định xây dựng bảng giá đất hàng năm thì vẫn phải thực hiện trình tự, thủ tục với nhiều công đoạn và các công việc cụ thể rất chi tiết, mất rất nhiều thời gian tương tự như thực hiện quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch của HoREA cho hay.

Bên cạnh đó, quy định xây dựng bảng giá đất theo khu vực, vị trí là đúng và hợp lý. Nhưng, quy định xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với nơi có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất là chưa khả thi và chưa phù hợp với thực tế vì hiện nay chưa có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, được cập nhật theo thời gian thực.

Nguyên nhân được ông Lê Hoàng Châu cho rằng, hiện nay Việt Nam chưa có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, được cập nhật theo thời gian thực. Với tình trạng khai thấp giá mua bán, giao dịch bất động sản, nhà đất, kể cả một số trường hợp giá trúng đấu giá chưa phản ánh đúng giá thị trường do “đấu giá cuội, quân xanh quân đỏ, thông đồng”.

Bên cạnh đó, do hạn chế về công nghệ, chưa cập nhật được giá đất theo thời gian thực, nên cơ sở dữ liệu giá đất đầu vào hiện nay chưa chính xác, chưa đầy đủ, chưa đáng tin cậy do hiện tượng khai thấp giá mua bán, giao dịch, chuyển nhượng nên chưa thể sử dụng cơ sở dữ liệu này làm căn cứ để xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn